Mang thai tháng thứ 7, mẹ và bé thay đổi như thế nào?

Mẹ bầu 17/05/2018 13:30

Mang thai tháng thứ 7, mẹ bầu đã bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ. Vậy thời điểm này, mẹ và bé con sẽ có những thay đổi đặc biệt nào?

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI KHI MẸ MANG THAI THÁNG THỨ 7

Trong tháng này, các chuyển động của thai nhi sẽ bắt đầu thay đổi. Khi không gian trong tử cung đã trở nên chật chội, thai nhi sẽ có xu hướng chủ động chuyển khuỷu tay và đầu gối để tìm tư thế thoải mái nhất cho mình. Thậm chí bé có khả năng cuộn tròn người và bắt chéo chân.

Ở tháng thứ 7, bé con trong bụng mẹ đã nặng 1-1,2 kg, dài 35-37cm. Khuôn mặt của bé đã hoàn thiện dần, làn da căng hồng hơn, bớt đi sự nhăn nheo. Tóc, lông mi, lông mày mọc dài hơn nên trông thấy rõ các đường nét. Nếu chụp hình siêu âm của thai nhi lúc này, mẹ có thể có một bức chân dung tương đối rõ ràng khuôn mặt của con yêu.

Mang thai tháng thứ 7, mẹ và bé thay đổi như thế nào? - Ảnh 1
Tháng thứ 7 thai máy rõ ràng thông qua những cú đạp mạnh mẽ của bé giúp mẹ biết rằng con mình đang nghịch ngợm vui vẻ trong bụng mẹ. (Ảnh minh họa)

Hệ thần kinh của thai nhi 7 tháng tuổi đã phát triển tương đối toàn diện. Bé có thể nghe thấy giọng nói của cha mẹ. Vì vậy các mẹ đừng quên dành thời gian trò chuyện, kể chuyện hay cho con nghe những âm thanh cuộc sống, những bản nhạc có giai điệu du dương, nhẹ nhàng. Bé có thể cảm nhận được tình yêu của mẹ và học hỏi được phần nào về thế giới bên ngoài.

Ở giai đoạn này, mẹ bầu cũng có thể cảm nhận được rõ ràng những chuyển động của em bé trong bụng. Đôi khi những cú đạp bất ngờ của thai nhi vào thành bụng khiến mẹ giật mình nhưng lại vui sướng vì biết con đang cựa quậy hoạt động.

SỰ THAY ĐỔI CỦA MẸ BẦU KHI MANG THAI THÁNG THỨ 7

 - Mất cân bằng: Trong những tháng cuối của thai kỳ này, chị em sẽ đối mặt với nhiều khó chịu hơn khi bụng bầu ngày càng lớn dần. Đôi lúc, mẹ bầu có cảm giác mất thăng bằng, dáng đi khệ nệ. Bạn cũng khó cúi người xuống thấp hoặc với tay lên cao.

Lời khuyên: Chị em nên chọn cho mình những đôi giày dép đế mềm, thấp chỉ khoảng 2cm. Khi đứng lên hoặc ngồi xuống cần nhẹ nhàng, từ từ. Không với lên cao tránh trượt ngã.

- Tiết sữa non: Một số mẹ bầu nhận thấy ngực bắt đầu tiết sữa non – có chất dịch màu vàng nhạt chảy ra. Đây là một dấu hiệu bình thường cho thấy tuyến sữa của bạn đang bắt đầu hoạt động, chuẩn bị cho quá trình nuôi con bằng sữa mẹ sau khi bạn sinh nở.

Lời khuyên: Mỗi lần đi tắm, chị em cần vệ sinh hai bầu ngực sạch sẽ, không để cặn bẩn tích tụ đầu nhũ hoa. Tránh việc nặn sữa non có thể gây kích thích chuyển dạ sinh non.

- Đau lưng nhiều: Khi thai nhi phát triển, tử cung sẽ ngày càng to ra, tạo ra áp lực lên cơ hoành, gan, dạ dày và ruột. Vùng xương sườn và xương chậu của bạn cũng có cảm giác đau đớn do vậy hiện tượng đau lưng khi mang thai tháng thứ 7 càng nặng hơn. Ngoài ra, thi thoảng chị em cũng thấy khó thở do trọng lượng của thai nhi tác động lên phổi.

Mang thai tháng thứ 7, mẹ và bé thay đổi như thế nào? - Ảnh 2
Bước vào tam cá nguyệt thứ 3, những cơn đau lưng sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc khiến mẹ bầu khó chịu. (Ảnh minh họa)

Lời khuyên: Mẹ bầu có thể vận động nhẹ nhàng bằng cách đi bơi sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều.

- Dịch âm đạo ra nhiều: Mỗi ngày dịch âm đạo có màu trắng trong đều xuất hiện khá nhiều, làm chị em thấy vùng kín ẩm ướt, khó chịu.

Lời khuyên: Thay băng vệ sinh hàng ngày hoặc quần lót thường xuyên, tránh tạo môi trường ẩm cho vi khuẩn phát triển. Nếu dịch âm đạo có mùi hôi hoặc màu vàng, xanh… chị em nên đi khám phụ khoa để xác định có bị viêm nhiễm không.

- Cơn chuyển dạ giả Braxton Hicks: Mặc dù còn 2 tháng nữa bạn mới đến ngày dự kiến sinh nhưng việc xuất hiện cơn chuyển dạ giả hay còn gọi là cơn gò tử cung là việc bình thường. Chị em có thể thấy các cơ tử cung siết chặt, cứ 20-30 phút lại xuất hiện cơn gò, làm chị em thấy khó chịu đôi chút. Cơn gò chuyển dạ giả chỉ là tiền đề cho cơn chuyển dạ thật diễn ra sau này, vì vậy không nên lo lắng quá.

Lời khuyên: Bạn nên theo dõi tần suất và nhịp độ xuất hiện cơn gò. Nếu nó diễn ra thường xuyên, liên tục trong ngày thì nên đi khám, có thể bạn sẽ được sử dụng thuốc chống co bóp tử cung.

- Thai máy liên tục: Mẹ bầu cần theo dõi tình trạng thai máy hay tình trạng hoạt động của thai nhi trong bụng để đánh giá sức khỏe của con yêu.

Lời khuyên: Hàng ngày, cứ khoảng 2-3 tiếng, ít nhất bé sẽ có 10 chuyển động trong bụng mẹ. Nếu quá lâu mẹ không thấy bé có động tĩnh gì, bạn hãy thử nghỉ ngơi, nói chuyện cùng con hoặc gõ nhẹ vào bụng bầu để hỏi han bé. Nếu thực sự có vấn đề nghiêm trọng, bạn cần nhanh chóng đi khám để tìm hiểu nguyên nhân.

Mang thai tháng thứ 7, mẹ bầu vẫn cần định kỳ khám thai 2 tuần một lần để theo dõi sức khỏe của thai nhi và bác sĩ cũng tư vấn cho chị em những vấn đề có thể gặp phải trong giai đoạn này của thai kỳ như  sưng mắt cá chân và bàn chân, đau đầu, tăng huyết áp…Bên cạnh đó, chị em cũng cần quyết định bệnh viện mình sẽ định sinh con và làm hồ sơ sinh theo yêu cầu của từng bệnh viện.

Phơi nhiễm fluoride ở phụ nữ mang thai làm giảm IQ ở trẻ

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Michigan (Hoa Kỳ) phát hiện ra rằng, phụ nữ mang thai phơi nhiễm với fluoride có liên quan tới chỉ số thông minh (IQ) thấp ở trẻ độ tuổi 1-3.

TIN MỚI NHẤT