Jimmii Nguyễn nói về “con nghiện WWW”

Tâm sự gia đình 08/01/2016 19:53

'Những kiểu nghiện nghe ra rất buồn cười nhưng cực kỳ khủng hoảng một khi lan tỏa, cổ suý như nghiện chém gió, nghiện chửi bới nhau trên mạng, nghiện ảo, nghiện khoe thân, da thịt, nghiện… lừa tình từ cái nghiện mạng này'

Sự phát triền ồ ạt của công nghệ thông tin đang mang lại một diện mạo mới cho xã hội. Bên cạnh đó, mặt trái của nó phần nào “điều khiển” con người, vô hình chung biến chúng ta thành những con thiêu thân. Nghiện Facebook, nghiện xem Youtobe, nghiện Game, nghiện đủ điều trên mạng xã hội. Những người xấu, những giá trị đảo lộn-bị lợi dụng đang trôi nổi lênh đênh trên thế giới ảo và tràn ra “thế giới thực” vô cùng nhiều.

Nam ca sĩ hải ngoại Jimmii Nguyễn vừa có những chia sẻ về vấn đề này trên trang cá nhân(Facebook). Vốn định cư từ nhỏ ở Mỹ, nơi được xem là cái nôi của công nghệ, ắt hẳn Jimmii Nguyễn đã chứng kiến nhiều “con thiêu thân” từ mạng xã hội. Vì thế mà những chia sẽ của anh tâm huyết và rất “Tây”, khiến người đọc không khỏi giật mình.

jimmi-nguyen6-jpg-1358523881_500x0.jpg
Ca sĩ Jimmii Nguyễn

Anh gọi những người nghiện mạng xã hội là “những con nghiện WWW” và luôn đi tìm ảo giác trên mạng với lý do giảm streess.

Nghiện WWW thường: “…Tay không rời máy vi tính, không rời điện thoại di động để lướt sóng. Ngồi uống cà phê họ cũng bấm. Dùng bữa ở nhà hàng với anh em bạn bè họ cũng bấm. Ngồi nói chuyện, giao lưu họ cũng bấm. Đi dạo phố họ cũng bấm. Nói chuyện điện thoại bằng tay này, tay kia rút thêm cái điện thoại nữa để bấm, kiểm tra… like. Về nhà với chồng, với vợ con họ cũng tranh thủ bấm. Ngồi ăn tối với gia đình cũng bấm. Ngồi toilet, cũng bấm. Đi tắm, cũng bấm…”

Hay những vấn đề dùng mạng hiện nay, những "anh hùng bàn phím" cũng được Jimmii Nguyễn chỉ ra: "...Những kiểu nghiện nghe ra rất buồn cười nhưng cực kỳ khủng hoảng một khi lan tỏa, cổ suý như nghiện chém gió, nghiện chửi bới nhau trên mạng, nghiện ảo, nghiện khoe thân, da thịt, nghiện… lừa tình từ cái nghiện mạng này...."

Anh nhận định lên mạng để lừa gạt, lợi dụng nhau rất nhiều. Chủ yếu là vì mục đích kiếm tiền, họ chà đạp lên các giá trị của đời sống ở thế giới ảo ấy và không ai làm gì được. 

Anh còn chỉ ra, sự khác nhau giữa những người lên mạng để học hỏi và những con nghiện: "Người lên mạng học hỏi thì hầu như cái gì họ cũng biết, cũng làm được, cũng sửa được. Còn những con nghiện WWW thì ngược lại. Họ không làm được gì ngoài tám"

Bài chia sẻ còn nhắc tới những người vợ chưa nấu nổi một món ăn cho chồng con, hay cải tiến trang hoàng nhà cửa, với những mẹo vặt học được từ trên mạng. Mặc dù họ dành phần nhiều thời gian để ngồi trước máy tính và điện thoại….

Ngồi uống cà phê họ cũng bấm. Dùng bữa ở nhà hàng với anh em bạn bè họ cũng bấm. Ngồi nói chuyện, giao lưu họ cũng bấm. Ảnh minh họa

Dưới đây PhunuvaGiadinh xin đăng toàn bài chia sẽ của ca sĩ Jimmii Nguyễn.

Những con thiêu thân vướng mình trên mạng nhện.

Thường thì chúng ta biết những con nghiện xuất thân từ một cuộc sống không nền tảng, không kiến thức và thiếu hụt sự giáo dục gia đình một cách trầm trọng. Họ lao vào những thứ tưởng là giúp giảm stress.

Họ không biết có nhiều cách giảm stress, tích cực lẫn tiêu cực.

Từ sự thiếu suy nghĩ làm sao để giảm stress tích cực, người ta trở thành 2 thành phần con nghiện: Con nghiện tìm ảo giác qua ma túy, chất kích thích. Và con nghiện tìm ảo giác qua mạng xã hội thông tin. Tạm gọi là con nghiện WWW.

Con nghiện ma túy khỏi nói, khỏi bàn. Ai cũng biết họ là gánh nặng, tệ nạn cho xã hội. Còn con nghiện xã hội mạng lưới thông tin WWW? Chúng là những con nghiện kiểu gì? “Mạng lưới xã hội, sự sụp đổ của hệ thống gia đình, sự tàn phá tư duy và sức sáng tạo của nhân loại.”

Cũng như những con nghiện dùng ma túy, chất kích thích để giảm stress, những con nghiện loại này thoạt đầu cũng nhân danh, dựa vào ý tưởng “tôi lên mạng để giảm stress” tìm hiểu, học hỏi cho vui.

Làm sao biết ai là con nghiện? Phát hiện ra con vi trùng ẢO là biết ngay kẻ đấy là con nghiện. Con nghiện ma túy rất dễ nhận diện. Sẽ thấy ống tiêm chích, bình lọ để hít đá v,v… trong tầm với của họ. Vệ sinh, phong cách, đi đứng ăn nói, không nguyên tắc, không căn bản giờ giấc lộ ngay sự bất bình thường. Rất ngáo.

Con nghiện WWW cũng thế, không khác gì. Chỉ khác ở chỗ tập tành đua đòi ăn chơi, áo quần. Tác phong, ăn nói khác hẵn với người bình thường. Cứ như mình là tiến sỹ bác học. Nói và trình bày như đúng rồi. Đi đâu cũng hai ba cái máy điện thoại trong tầm tay. Lúc nào cũng thấy tay lướt phím nhanh hơn tay bấm máy của các cô thu ngân tính tiền ở siêu thị. Cứ như là bận bịu lắm vậy nhưng không thể kiếm ra tiền đàng hoàng về nhà nuôi gia đình. Không có nổi sự sáng tạo cho gia đình. Gia đình hoàn toàn không được hưởng chút lợi lộc nào từ họ. Thì đấy là con nghiện.

Đương nhiên tên ăn trộm, ăn cướp sẽ chối nguây nguẩy là hắn không ăn cướp, ăn trộm gì của ai. Tên nghiện ma túy luôn bảo hắn sạch, không nghiện ngập thì con nghiện WWW cũng thế. Chúng chỉ bảo lên mạng cho vui, tìm hiểu cho vui, để giảm stress. Chẳng làm hại gì ai.

Con nghiện WWW thì tay không rời máy vi tính, không rời điện thoại di động để lướt sóng. Ngồi uống cà phê họ cũng bấm. Dùng bữa ở nhà hàng với anh em bạn bè họ cũng bấm. Ngồi nói chuyện, giao lưu họ cũng bấm. Đi dạo phố họ cũng bấm. Nói chuyện điện thoại bằng tay này, tay kia rút thêm cái điện thoại nữa để bấm, kiểm tra… like. Về nhà với chồng, với vợ con họ cũng tranh thủ bấm. Ngồi ăn tối với gia đình cũng bấm. Ngồi toilet, cũng bấm. Đi tắm, cũng bấm. Ngủ để máy bên cạnh, nếu thức giấc trong đêm thì bấm. Bấm miệt mài. Bấm không ngừng nghỉ. Nghèo vẫn nghèo. Cứ thế. Kệ. Cứ bấm.

Trên WWW, người thành công tích cực thì ít. Phường lừa gạt tiêu cực trên đấy thì nhiều. Một khi nghiện WWW, con nghiện chỉ tranh thủ bỏ thời gian càng nhiều trên mạng càng tốt. Nhân danh giảm stress, có ai dám lên tiếng nói họ gì đâu.

Rất nhiều người bảo họ bấm, họ lên mạng chỉ vì mục đích để kiếm tiền. Đồng ý nhưng tôi đánh giá những người đấy qua cách kiếm tiền trên mạng của họ.

Nếu họ là chủ một trang mạng xã hội như Facebook, như Yahoo như Google v,v… thì tôi nể ra mặt vì đấy mới đúng nghĩa là làm tiền trên mạng thế nhưng bảo rằng lên mạng buôn bán nhưng chỉ để bán đôi bông tai, đồ trang sức, áo quần thì tôi đánh giá rất thấp vì bản thân của những người này không đủ khả năng để mở cho mình một cửa tiệm chính thống để quán xuyến nó một cách trực tiếp.

Đương nhiên cũng có những người ở nhà làm ăn buôn bán trên mạng đàng hoàng, chân chính dù có là ba cọc ba đồng. Những người "làm ăn thật" này khác với những con nghiện WWW là họ luôn luôn sắp xếp giờ giấc rất chu đáo. Việc gì ra việc đấy. Giờ làm việc họ bấm máy kiểm tra liên tục nhưng khi hết giờ, họ biết dành thời gian cho sinh hoạt gia đình, vợ chồng, con cái, họ không bao giờ đụng đến máy ngoài trừ có việc khẩn cấp đột xuất. Họ vẫn quán xuyến chuyện gia đình trong và ngoài hết sức tươm tất.

Đúng, xã hội ngày nay người chủ phải có khả năng điều khiển từ xa nhưng đấy phải là chủ mỗi tháng đem vô bạc tỉ, không bạc tỉ thỉ cũng phải nuôi sống được gia đình của mình chứ chủ gì lui tới chỉ có mỗi mình trên mạng để tám, chém gió tối ngày trong khi giá trị kinh tế, giá trị cải thiện chăm sóc nhà cửa gia đình chồng/vợ con không bao nhiêu thì làm sao tôi có thể trân trọng những người này được?

Trên mạng, người vốn có sáng tạo, triển khai chất xám đem đến thành công kinh tế tột đỉnh giúp ích cho gia đình, xã hội thì ít khi họ xuất hiện trên mạng. Họ luôn có thời khóa biểu để lên mạng. Đơn giản là họ không có lắm thời gian. Còn kẻ bất tài, lợi dụng và lạm dụng mạng lưới để tỉ tê, thỏa mãn cơn nghiện thì quá nhiều. Xã hội đâm ra trở thành bát nháo, hỗn độn với bao câu chuyện không thật, phản khoa học, vô lý, tiêu cực tự dựng, tự phát, tự …ảo, tự like và tự share cho nhau.

Như cái chất độc hại duy nhất mà chúng ta thường thấy ở những con nghiện ma túy là ẢO, thì Ảo cũng là cái chất gây nghiện duy nhất đóng trong bộ não của những con nghiện WWW.

Từ khi có Facebook, Yahoo, Google, Zalo, công ty điện thoại viễn thông 3G v,v… những người thành công kiếm tiền tỉ trên mạng vẫn còn rất giới hạn. Tỉ phú thế giới làm giàu nhờ mạng thì cũng là những con nhện, chủ nhân của những công ty, tập đoàn thành lập những mạng lưới xã hội này. Còn con nghiện chỉ là những con mồi, nô lệ nằm trong guồng máy đã được lập trình của họ. Từ khi xuất hiện WWW, những gì tốt tích cực được phát huy quá hiếm hoi so với những tiêu cực do WWW gây ra. Những mối quan hệ, sinh hoạt giao lưu trong gia đình kém phẩm chất, mất hẳn truyền thống gia đình. Những bữa cơm lạnh đạm thiếu vắng thành viên mà nếu có đông đủ thành viên thì thiếu hẳn tố chất văn hóa truyền thống đúng nghĩa giúp làm nên một xã hội có đạo đức. Thay vào đấy, trong bữa ăn, mỗi người một cái điện thoại tay bấm bấm, chẳng ai buồn nói chuyện với ai, chẳng ai thèm nói về tình trạng gia đình, nhà cửa, con cái.

Những đề tài trong bữa ăn của mỗi gia đình ngày hôm nay là những đề tài, câu chuyện, sự việc tiêu cực xảy ra trong xã hội mà họ đã xem được trên mạng. Tự dưng, mỗi thành viên gia đình trở thành con nghiện thích chém gió hồi nào mà mình không hay. Họ ngồi với nhau như những con rô bô, chẳng bỏ thêm thời gian quý báu nào cho nhau, chẳng thể hỏi han nhau về một ngày sống và làm việc ra sao. Họ chẳng thể tự tìm ra căn nhà của họ đang ở cần thay đổi gì. Những thành viên gia đình sống chung với họ cần được quan tâm điều gì. Họ chỉ biết người bạn thân quan trọng nhất của họ là cái điện thoại, cái iPhone, iPad, máy vi tính những dụng cụ gây nghiện.

Làm sao biết được ai lên mạng thường xuyên để học hỏi những gì mới lạ bổ ích, từ những điều hay lẽ phải, thành quả của những người khác ở trên mạng và ai lên mạng chỉ để thỏa mãn cơn nghiện WWW?

Dễ thấy lắm. Người lên mạng học hỏi thì hầu như cái gì họ cũng biết, cũng làm được, cũng sửa được. Còn những con nghiện WWW thì ngược lại. Họ không làm được gì ngoài tám.

Cho nên đừng lấy làm lạ là khi đến nhà những con nghiện WWW và thấy nhà cửa họ bề bộn, không ngăn nắp, cáu ghét, dơ bẩn, chẳng có tân trang mới lạ, con cái leo nheo, lóc nhóc, sống không khuôn khổ, không giờ giấc. Những món ăn ngon, vật lạ được thấy trên mạng thì cũng chỉ là để thấy trên mạng cho vui chứ ở nhà cơm canh vẫn thế, nhạt nhẽo, chẳng có gì sáng tạo, chẳng có gì gọi là lấy, là học từ trên mạng để nấu cho gia đình thưởng thức.

Có người bạn bảo tôi rằng từ khi WWW ra đời cho đến nay anh ta chưa được thấy, chưa được ăn một món gì là mà vợ anh ấy học được trên mạng. Nhà cửa của anh ấy chỉ có xuống cấp chứ cũng chưa bao giờ được cải tiến một chút gì nhờ mạng.

Chẳng hiểu vợ anh ấy ngày đêm lên mạng tìm hiểu học hỏi điều gì mà mỗi khi hỏi thì bảo giảm stress, bảo rất bận. Nhưng cái bận đấy không mang đến điều gì tốt tích cực hơn, không mang lợi lộc, bình an hoặc hạnh phúc cho gia đình thì bận để làm gì? Giảm stress để làm gì? Đấy gọi là đạo đức cá nhân nói riêng và xã hội nói chung sao? Đừng nói về đạo đức khi mình không thể đóng đúng vai người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người anh, người em và người con trong gia đình của mình.

Như con nghiện ngáo đá hay nói, hay biện bạch miên man, luyên thuyên. Con nghiện WWW cũng chẳng khác gì.

Ngài Tim Berners-Lee, người Anh, khi sáng lập ra WWW vào năm 1989 đã thấy trước điều này, ông gắn tên cho xã hội thông tin này là www viết tắt của World Wide Web - mạng nhện rộng khủng (bao trùm) thế giới. Nhưng điều ông không thề ngờ đến là sự tiêu cực do WWW mang lại quá khủng khiếp và tàn bạo. Ông sẽ nghĩ gì nếu con cháu ông biết làm chuyện người lớn từ năm lên mười. Ông càng hối hận hơn vì ông đã sinh ra những con nhện tài phiệt, mafia xấu xa khổng lồ đang trói gọn thế gian vào tơ lưới của chúng.

WWW chỉ giúp tốt nhất cho hệ thống an ninh của mỗi quốc gia liên kết, phối hợp thành xâu chuỗi. WWW không giúp loài người gần nhau hơn, bằng chứng xã hội ngày càng phức tạp, lọc lừa, đạo đức suy đồi, giáo dục xuống cấp trầm trọng. Trẻ con bị kích thích sớm biết chuyện của người lớn. Sách báo người ta họ không màng đụng đến nữa vì nghĩ rằng cần gì thì có WWW. Chính WWW làm loài người trở nên đố kị, nghi ngờ, mỗi ngày càng có khoảng cách với nhau hơn.

Nhân loài hôm nay đã đánh mất biết bao nhiêu thời gian quý báu để gìn giữ nền tảng đạo đức.

Ngày xưa người ta nghiện rượu, nghiện cờ bạc, trai gái, nghiện xì ke ma túy. Ngày nay những thứ nghiện này đã không hề thuyên giảm. Ngược lại còn nảy sinh những thứ nghiện khủng khiếp có nguy cơ diệt vong một khi đạo đức không còn. Những kiểu nghiện nghe ra rất buồn cười nhưng cực kỳ khủng hoảng một khi lan tỏa, cổ suý như nghiện chém gió, nghiện chửi bới nhau trên mạng, nghiện ảo, nghiện khoe thân, da thịt, nghiện… lừa tình từ cái nghiện mạng này.

Có ai thấy ra không? Cũng vì mạng WWW mà hôm nay cuộc sống đúng nghĩa, phẩm chất, giá trị cá nhân riêng tư của chúng ta đã tự đánh mất từ lúc nào. Chúng ta đã trở thành công cụ của một guồng máy khổng lồ đang nuốt chửng nhân loại .

Chúng ta đã trở thành những con thiêu thân vướng mình trên mạng nhện khổng lồ, những con nghiện thời đại.

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT