Diễn viên Nguyễn Hậu đột ngột qua đời ngày cuối năm

Giải trí 14/02/2018 09:32

Tin buồn đến bất ngờ vào ngày cuối năm, khi nhà nhà chuẩn bị Tết thì diễn viên Nguyễn Hậu - người 'chuyên trị vai phụ' qua đời vì ung thư gan.

Sau một thời gian lâm bệnh, diễn viên Nguyễn Hậu đã mất vào lúc 4h30 sáng 14-2, hưởng thọ 65 tuổi.

Linh cữu quàn tại phòng cộng đồng khu chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2, Trần Xuân Soạn, Q.7, TP.HCM.

An táng tại Bình Dương vào lúc 12h trưa mai, ngày 15-2 tức 30 Tết.

Diễn viên Nguyễn Hậu bắt đầu đóng phim từ năm 1978, và đã góp mặt trong hơn 100 vai diễn. Với vai Hai Gọn trong phim Mảnh đất tình đời (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) ông đã đoạt giải diễn viên điện ảnh xuất sắc do hội điện ảnh tổ chức vào năm 1985.
Người ta cũng không quên ông trong vai thầy giáo Tánh của Thung lũng hoang vắng.

Nghệ sĩ Hồng Ánh, người đóng cùng ông trong phim chia sẻ trên trang cá nhân của chị:

"Nghỉ ngơi chú nha cuộc sống đã quá mệt rồi, đến lúc nghỉ ngơi thôi. Con đang ở xa không về kịp thăm chú rồi! Hôm nay ngày 14-2 là ngày lễ tình yêu. Chú ra đi trong ngày lễ tình yêu nhẹ nhàng và thanh thản. Thương nhớ chú thật nhiều!

Nghệ sỹ Nguyễn Hậu gần 40 năm tận tụy với nghề, chú tham gia rất nhiều phim trong vai trò diễn viên. Gia tài phim ảnh của chú tính đến nay hơn 250 vai diễn, từ phụ đến chính.

Diễn viên Nguyễn Hậu đột ngột qua đời ngày cuối năm - Ảnh 1
Nguyễn Hậu trong phim Thung lũng hoang vắng

Vai diễn "ba thằng An" trong bộ phim Đất Phương Nam do NSUT Vinh Sơn đạo diễn, thầy giáo Tành hiền lành, nhân ái trong Thung lũng hoang vắng do NSND Phạm Nhuệ Giang đạo diễn, ông thợ máy chung tình Mười Đâu trong Người đàn bà yếu đuối, Hải Cầu Móng trong Xóm nước đen, và vô số vai phụ ấn tượng khác trong các bộ phim gây tiếng vang như Dưới cờ đại nghĩa, Dòng máu anh hùng, Vó ngựa trời nam, Hồng hải tặc, Người đẹp Tây Đô…

Chú còn là gương mặt thầm lặng đứng phía sau máy quay trong rất nhiều vai trò khác nhau, trợ lý đạo diễn, phó đạo điễn... của rất nhiều bộ phim trong và ngoài nước..."

Diễn viên Nguyễn Hậu đột ngột qua đời ngày cuối năm - Ảnh 2
Hí họa Nguyễn Hậu trên báo Tuổi Trẻ Cười

Gốc Nam Bộ rặt (cha Sa Đéc, mẹ Vĩnh Long), theo gia đình lên Sài Gòn lúc 15 tuổi, học lớp đệ tứ, trường Chu Văn An. Bản tánh "máu me" với hoạt động văn nghệ, ở trong lớp, anh luôn là người tạo nhiều điều ngạc nhiên cho các bạn. Có tài bắt chước nhái giọng các cây hài như Phi Thoàn, Xuân Phát nên anh luôn gây được bất ngờ cho bạn bè. Đôi khi cao hứng, anh còn "chơi" luôn vài câu vọng cổ và cũng được bạn bè cổ vũ, dù rằng ai cũng công nhận rằng anh hát nghe được thì họ... chết liền! Thiệt là bó tay!

Khi biết thằng bạn học chung là cháu ruột và cũng là thành viên trong đội kịch của nữ nghệ sĩ Kiều Hạnh (trưởng ban kịch Tuổi Xanh, đài truyền hình Sài Gòn) nên được lên "tàng hình" hoài. Anh nghĩ: "Con vua thì được làm vua" nên nó mới được đặc quyền như vậy chớ cỡ mình thì làm sao có "cửa". Vậy mà anh cũng đeo đẳng một thời gian dài, rồi cho đến một ngày...

Đang trong quá trình dựng vở Hận biên thùy (cảnh Nguyễn Trãi chạy theo cha, lúc cha ông bị đi đày), trong nhóm kịch không một ai có khả năng nói tiếng Việt pha Tàu lơ lớ để đóng vai tướng Tàu nên đường dây bị khựng. Nghe thằng cháu nói "Con có một thằng bạn cùng lớp có tài bắt chước giọng hay lắm", bà Kiều Hạnh liền kêu Hậu vô thoại thử. Lần thử vai đó anh được chọn và trở thành thành viên của ban kịch Tuổi Xanh, dập tắt ý nghĩ "con ông cháu cha" trong anh.

Khát khao một ngày nào đó mình sẽ trở thành một diễn viên chuyên nghiệp như các thần tượng Đoàn Châu Mậu, Trần Quang, Huy Cường... đã thôi thúc anh tìm đến xưởng phim của đạo diễn Bùi Sơn Duân (Lam Sơn) sau khi thi rớt Tú Tài và "chạy" được giấy miễn dịch gia cảnh. Đã xem Hoa mới nở và Hận biên thùy trên truyền hình, đạo diễn Bùi Sơn Duân nhận xét anh có khiếu nhưng chỉ nhận anh vô làm ngoại vụ cho hãng phim vì "ngoại hình kém, quá xí trai".

Mừng vì được "gần gũi" niềm đam mê và nghĩ xí trai thì thế nào cũng có vai thứ! Đúng như anh suy nghĩ và càng sướng rơn khi anh được đạo diễn họ Bùi chấm vô một vai phụ trong bộ phim Hải vụ (hợp tác cùng Thái Lan). Nhưng anh chưa kịp nhìn thấy mặt méo mặt tròn của mình trên phim ảnh ra sao thì đất nước thống nhất.

Vậy là "Thôi rồi Lượm ơi"! Tưởng chừng sẽ không còn có cơ may nào để đến với điện ảnh nữa, anh "cuốn tượng" về quê ngoại (Vĩnh Long) tìm kế sinh nhai. Thầy không ra thầy, thợ không ra thợ biết phải làm sao khi trong tay không có nghề ngỗng gì ngoài lòng đam mê nghệ thuật. Thời may, lúc đó Đoàn Văn công tỉnh Cửu Long (Vĩnh Long, Trà Vinh) đang tách bộ môn cải lương và ca nhạc kịch ra làm 2 đoàn. Anh liền đăng ký thi và đậu cao nhất trong số 8 thí sinh được chọn trên tổng số 200 thí sinh dự tuyển bộ môn kịch nói...

Trong suốt 12 năm gắn bó tại đoàn ca múa nhạc, từ một diễn viên, anh đã được cất nhắc, đề bạt lên nắm các nhiệm vụ quan trọng trong đoàn như: Đội trưởng đội kịch nói kiêm đài trưởng, chỉ huy biểu diễn và là thành viên trong hội đồng nghệ thuật.

Tưởng rằng đã "yên bề gia thất" cùng đoàn ca múa nhạc, nhưng "con vi rút điện ảnh" đã từ lâu ngủ yên trong người anh bỗng dưng "quậy tá lả" khi anh nghe tin có đoàn làm phim của hãng phim Tổng Hợp (nay là hãng phim Giải Phóng) xuống Vĩnh Long quay bộ phim Ván bài lật ngửa.

Mừng còn hơn má đi chợ về khi anh nhận ra sếp cũ Bùi Sơn Duân nay đổi lại thành Lam Sơn thủ thỉ: "Sắp quay bộ phim Chiếc vòng bạc tận Tây Nguyên, mày có thể xin phép nghỉ đoàn một tháng để tham gia không?". Tại sao lại không! Lần đầu được phép nghỉ để đi đóng phim. Một tháng - trễ. Lần phép thứ nhì lại trễ. Lần thứ ba thì không cần xin phép nữa vì anh đã quyết định cuốn gói theo điện ảnh luôn vì "Phim là cuộc sống của tui".

Nhắc đến Nguyễn Hậu, phải nhắc đến các vai anh đã từng đóng góp, tạo nhiều ấn tượng trong lòng khán giả như: Hải cầu Móng (phim Xóm nước đen), trùm mật vụ Dương Văn Hiếu (Ông cố vấn), Hai Gọn (Mảnh đất tình đời) và nhất là vai Thầy giáo Tành trong bộ phim Thung lũng hoang vắng (bộ phim được tham dự giải Kim Kê Bách Hoa tại Trung Quốc) đã giúp anh có lại sổ hộ khẩu cùng CMND màu kể từ năm 1989 cho đến 2002 (bị cắt khi anh tự ý bỏ việc tại đoàn ca múa nhạc tỉnh nhà).

Không thích màu mè chưng diện, tánh tình thì thẳng như ruột ngựa, ăn nói thì bỗ bã, đó là những gì có được trong anh, một người con gốc Nam Bộ. Nhưng đôi khi chính vì cái sự "có sao nói vậy người ơi" là mầm mống khiến đồng nghiệp có nhiều hiểu lầm nhưng rồi... "Tánh ảnh là vậy đó!".

Và ít có ai biết rằng, ngoài chuyện đi đóng phim, anh cũng là một cây bút thường xuyên cộng tác trên báo Thế giới điện ảnh với các chuyên mục chuyện vui, phóng sự đoàn làm phim, chân dung nghệ sĩ ...

Trích bài trên báo Tuổi Trẻ Cười của Bà Tám.

Nhiều sao Việt gửi lời chia buồn khi nghe tin bố Trương Ngọc Ánh qua đời

Bố nữ diễn viên Trương Ngọc Ánh qua đời ở tuổi 64 vì căn bệnh ung thư thực quản.

TIN MỚI NHẤT