Tổng hợp những câu chuyện thú vị về ngày tết

Du lịch 12/12/2022 15:20

Bạn có thể kể những câu chuyện thú vị về ngày tết này cho cả nhà, đặc biệt là các bé nghe để ai cũng cảm nhận được ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán.

Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất của Dân tộc Việt Nam, mang đậm bản sắc dân tộc. Là một ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam và là tiết lễ đầu tiên trong năm, Tết Nguyên đán bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, với bao niềm tin và hy vọng một năm mới an lành, may mắn, thành công. Tết là dịp để mọi người nhìn lại năm cũ, chào đón năm mới và nghỉ ngơi, sum họp gia đình với nhiều phong tục tốt đẹp. Ðón Tết, vui Tết, đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam với nhiều giá trị nhân bản văn hóa tinh thần sâu sắc.

Chính vì vậy, vào ngày tết, được nghe những câu chuyện thú vị và sâu sắc của ngày lễ lớn này, sẽ là điều nhắc nhở tất cả chúng ta về ý nghĩa của Tết cổ truyền dân tộc. Hãy cùng dành một chút thời gian đọc lại và cảm nhận hướng vị tết đang đến gần nhé.

Sự tích bánh chưng, bánh giày

Sự tích bánh chưng, bánh dày
Sự tích bánh chưng, bánh giày có từ thời vua Hùng thứ 6!

Vào đời vua Hùng thứ 6, vua cha có ý muốn truyền ngôi cho con. Ngày đầu năm mới, vua họp các hoàng tử và bảo: 'Ai tìm được thức ăn ngon đề bày cỗ sao cho ý nghĩa thì vua sẽ truyền ngôi cho'.

Các hoàng tử tìm khắp nơi của ngon vật lạ dâng vua cha. Duy chỉ có hoàng tử Lang Liêu hiền lành, đạo đức, mẹ đã mất nên không có người hỗ trợ.

Một hôm, hoàng tử ngủ mơ thấy có vị tiên mách rằng: 'Trong Trời Đất chẳng gì quý bằng gạo, vì gạo là nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông có ý nghĩa Trời và Đất. Hãy lấy lá xanh bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành ra con cái'.

Sau khi tỉnh giấc, hoàng tử vui mừng thực hiện theo, bánh vuông chàng gọi là bánh Chưng, bánh tròn gọi là bánh Giày.

Ngày hẹn đến, khắp nơi đều là sơn hào hải vị bày trên mâm. Nhìn cặp bánh đơn sơ của Lang Liêu, vua cha ngạc nhiên nếm thử, thấy bánh ngon và hỏi chuyện đã xúc động vì ý nghĩa của cặp bánh nên quyết định truyền ngôi cho Lang Liêu, hoàng tử thứ 18.

Từ đó, vào ngày Tết, nhà nào cũng làm bánh chưng, bánh giày để cúng tổ tiên, trời đất và cảm tạ một năm cũ đã qua và cầu mong những điều may mắn và cuộc sống no đủ cho một năm mới sắp tới!

Sự tích hoa đào ngày tết

Sự tích hoa đào ngày tết
Sự tích hoa đào ngày tết

Ngày xưa, ở ngọn núi Sóc Sơn có một cây đào cổ thụ là nơi ở của 2 vị thần vô cùng linh thiêng, nổi tiếng. Hai vị thần giúp dân chúng làm ăn và đánh đuổi ma quỷ nên khắp nơi quỷ đều vô cùng sợ hãi hai Ngài và sợ luôn cả cây đào.

Ngày cuối năm, hai vị thần phải đi vắng để lên thiên đình báo cáo Ngọc Hoàng, vì lo sợ lũ ma quỷ sẽ quấy nhiễu con người nên các Ngài nghĩ ra cách sai con người bẻ cành đào cắm trong nhà hoặc lấy giấy hồng vẽ hình hai Ngài để xua đuổi ma quỷ.

Về sau, người ta cũng quên đi ý nghĩa đuổi tà mà nhưng theo giữ phong tục cũ, vào dịp Tết đến xuân về, nhà nào cũng có cây đào trong nhà thể hiện sự ấm cúng và niềm vui đón mừng năm mới.

Sự tích ngày tết

Ngày xưa, con người chưa biết tính thời gian, chưa biết tính tuổi của mình. Ở nước nọ, có một ông vua nổi tiếng thông minh và tài đức. Đất nước của ông thanh bình, dân tình no ấm.

Một lần , nhân dịp vui, nhà vua nảy ý định ban thưởng cho người già nhất trong nước. Nhưng chẳng làng nào chọn được người già nhất nước. Thấy vậy, nhà vua liền phái một đoàn sứ giả đi tìm các vị thần để biết hỏi cách biết người già nhất.

Vâng lệnh vua, đoàn sứ giả lên đường. Vị thần đầu tiên họ gặp là Thần Sông. Thần Sông mặc áo trắng, tóc mềm như nước, nghe sứ giả hỏi bèn lắc đầu trả lời :

– Ta ở dây đã lâu nhưng chưa bằng mẹ ta. Hãy đến hỏi mẹ ta. Mẹ ta là Biển Cả.

Thần Biển mặc áo xanh biếc đang ru con bằng những lời sóng vỗ. Được hỏi, thần Biển chỉ tay lên ngọn núi xa xa và nói :

– Hãy hỏi Thần Núi, Thần còn sinh ra trước cả ta. Khi ta lớn lên thì Thần Núi đã già rồi.

Đoàn sứ giả lại lặn lội đến gặp Thần Núi, Thần Núi da xanh rì vì rêu bám cũng lắc đầu chỉ tay lên trời :

– Hãy đến hỏi Thần Mặt Trời. Lúc ta mới chào đời, ta đã phải nhắm nghiền mắt vì nắng của Thần. Thần Mặt Trời còn có trước cả ta.

Làm sao đến được chổ Thần Mặt Trời. Đoàn sứ giả thất vọng quay về. Đến một khu rừng, họ gặp một bà lão nét mặt buồn rầu ngồi chăm chú trước cây hoa đào. Đoàn sứ giả đến gần hỏi:

– Thưa cụ, tại sao cụ lại ngồi đây ?

Bà lão trả lời :

– Tôi đến đây để hái hoa đào. Thuở trước, con tôi đi xa, cây đào này đang nở hoa. Bây giờ, mỗi lần hoa đào nở, tôi lại ra hái một bông hoa để về nhớ đến con tôi.

Sự tích ngày tết
Sự tích ngày tết được lưu truyền từ bao thế hệ nay!

Một ý nghĩ vụt lóe lên, đoàn sứ giả xin phép bà lão trở lại kinh đô.

Họ tâu lên vua việc gặp bà lão hái hoa đào tính thời gian chờ con. Nhà vua vốn thông minh nên nghỉ ra cách tính tuổi con người: Cứ mỗi lần hoa đào nở thì tính một tuổi. Sau này người ta mới biết mười hai lần trăng tròn rồi khuyết, hoa đào mới nở một lần.

Lại kể về chuyện nhà vua, sau khi tìm được cách tính tuổi, ông rất vui mừng, cảm động và nhớ đến bà lão hái hoa đào, nhà vua truyền cho thần dân cả nước: Mỗi lần hoa đào nở được mở hội ba ngày ba đêm. Những ngày vui ấy sau này người ta gọi là Tết. Phong tục ấy còn truyền mãi đến bây giờ.

Trên đây là một vài câu chuyện mang ý nghĩa gắn liền với ngày Tết Cổ truyền của dân tộc ta. Dù mỗi câu chuyện sẽ mang những nét riêng biệt, nhưng quy chụm lại đều thể hiện ý nghĩa biết ơn một năm đã qua và chào đón, mong chờ một năm mới sắp đến. Hy vọng mỗi độc giả cũng đã có được 1 năm bình yên và sẽ được hưởng nhiều may mắn, tài lộc hơn vào năm tới! Chúc mọi người năm Quý Mão vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình và người thương của mình nhé!

Tết xưa và tết nay có gì khác?

Tết xưa với tết nay khác nhiều lắm. Tết miền Bắc với tết Sài Gòn cũng vậy, đâu đâu cũng có những nét đặc trưng mà không thể nào lẫn vào đâu được.

TIN MỚI NHẤT