Một số truyền thuyết nổi tiếng về Vua Hùng

Du lịch 12/04/2018 09:48

Tìm hiểu một số truyền thuyết nổi tiếng về Vua Hùng như truyền thuyết bọc trăm trứng và truyền thuyết Chử Đồng Tử.

Cùng với các truyền thuyết dân gian thời kỳ Hùng Vương dựng nước, nguồn gốc của lễ hội Đền Hùng đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, nhân dân vẫn truyền miệng và kể lại những câu truyện hàm chứa tín ngưỡng: Ngày xưa, núi Nghĩa Lĩnh là nơi thờ tự các Vua Hùng. Tục truyền rằng Vua Hùng và các lạc hầu, lạc tướng thường đến đây làm lễ tế trời, thờ lúa, cầu mong cho giống nòi sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi, con người no đủ, vì vậy đồ thờ trước đây vẫn có là hạt lúa thần. Đó là hình tượng một hạt thóc làm bằng đá to như cái thuyền được đặt thờ tại Đền Thượng.

Truyền thuyết Vua Hùng
Truyền thuyết Vua Hùng. Ảnh minh họa: Internet.

Hội Đền Hùng trước Hậu Lê, theo các cụ cao niên gốc xã Hy Cương (thuộc Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) kể: Ngày xưa, Lễ hội Đền Hùng chưa có quy mô tầm vóc lớn vượt ra ngoài địa phương như hiện nay, nội dung tổ chức còn trong hạn hẹp chỉ mở hội ở 3 làng riêng rẽ, chưa có hình thức tổ chức Giỗ Tổ chung của cả nước. Làng Vi và làng Trẹo mở hội cùng ngày vào tháng giêng và tháng 8 (vì hai làng này đều có chung nhau một ngôi Đình Cả), còn làng Cổ Tích tổ chức hội vào các ngày từ mồng 8 tới 12 tháng 3 âm lịch, trong đó chính tế vào ngày 11 và phần tế lễ cũng có khác với làng Vi và làng Trẹo.

Trong tâm thức dân gian của cộng đồng cư dân Phú Thọ, Hùng Vương vừa là vị thuỷ tổ, vừa là Thánh Vương, vừa là người lập nước nhưng cũng là người chăm lo cuộc sống cho dân, vừa thiêng liêng lại gần gũi, có mặt với cộng đồng ở mọi tình huống của cuộc đời của mỗi con người, trong cuộc sống của cộng đồng theo vòng quay của thiên nhiên của mùa vụ. Vì thế, người dân làng Trẹo… có lễ hội rước Hùng Vương từ các ngôi Đền trên núi Nghĩa Lĩnh về làng ăn Tết vào ngày 24 tháng chạp.

Một số truyền thuyết nổi tiếng về Vua Hùng

Thời đại Vua Hùng
Thời đại Vua Hùng. Ảnh minh họa: Internet.

Truyền thuyết bọc trăm trứng

Vua đầu nước ta - Kinh Dương Vương lấy Thần Long nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết làm vợ chồng với Âu Cơ và sinh ra một bọc trăm trứng nở thành trăm con trai.

Khi con khôn lớn, Lạc Long Quân nói: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, không thể ở lâu với nhau được" bèn chia 50 con cho Âu Cơ đem lên núi, còn Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con cả nối ngôi hiệu là Hùng Vương đặt tên nước Văn Lang đóng đô ở thành Phong Châu, truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương.

Truyền thuyết Chử Đồng Tử

Trong một lần ngao du, công chúa Tiên Dung – con vua Hùng thứ 18 đã gặp chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và kết duyên vợ chồng. Hai vợ chồng cố gắng làm ăn, tầm sư học đạo và được truyền bảo vật quý.

Không ngờ, bảo vật này lại khiến vua Hùng cho rằng họ tạo phản nên đem quân đến bắt. Bất ngờ, cả vùng đất nơi Chử Đồng Tử và Tiên Dung ở bất ngờ bay lên trời, để lại đầm sâu mang tên Nhất Dạ Trạch.

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương được chuyển hoá từ tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng phồn thực và liên quan gắn bó hữu cơ với nhau, từ việc ý thức về Quốc tổ đến thờ quốc tổ là một quá trình hình thành một hình thái tín ngưỡng có sự tiếp thu các hình thái tín ngưỡng trước đó. Bởi vậy trong dân gian tương truyền rằng Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để cầu cúng thờ thần, nhưng về sau, chính Vua Hùng, người đi thờ phụng lại được thiêng hoá để cộng đồng thờ phụng tôn thờ.

Giổ tổ Hùng Vương 2018 là ngày nào?

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018 sẽ được tổ chức từ ngày 21 đến 25/4/ 2018 (tức từ ngày 6 đến 10 /3 âm lịch) tại Đền Hùng, Phú Thọ.

TIN MỚI NHẤT