Ngày 20/11: Những thầy cô giáo nghèo mấy mươi năm cắm bản vùng cao, nhiều lần đối mặt tử thần vẫn kiên cường gieo từng con chữ

Đời sống 20/11/2017 11:10

Chung hoài bão cõng chữ lên non cùng các đồng nghiệp khắp cả nước, các thầy cô nơi rẻo cao xứ Thanh hằng ngày hằng giờ vẫn quyết tâm cắm bản, gieo con chữ cho những học sinh miền núi nơi đây.

Bất đồng ngôn ngữ, tư duy lạc hậu của đồng bào, những trận sốt rét rừng thừa sống thiếu chết… vẫn không ngăn được quyết tâm của những người mang trong mình sứ mệnh giáo dục thiêng liêng.

Cô giáo miền biển cắm bản, dựng nhà trên non

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh (36 tuổi), giáo viên Trường tiểu học Xuân Thắng (xã Xuân Thắng, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) sinh ra và lớn lên ở vùng biển Nga Sơn. Sau khi ra trường, cô tình nguyện lên bản Én thuộc xã miền núi Xuân Thắng bắt đầu sự nghiệp trồng người.

Những ngày đầu cô Hạnh về cắm bản, khó khăn chồng chất khó khăn. Cô phải đến từng nhà vận động các em đi học. Thế nhưng, đồng bào dân tộc Thái nơi đây quanh năm sống với ruộng nương không thông thạo tiếng phổ thông. Cô lại quyết tâm học tiếng Thái để gần gũi với bản làng, vượt qua rào cản trong giao tiếp.

Chưa dừng lại ở đó, với định kiến ăn sâu trong gốc rễ "học con chữ không no cái bụng, học con chữ không trồng nên cây lúa, cây ngô" của phụ huynh, cô Hạnh đã phải rất kiên nhẫn để thuyết phục cha mẹ cho các em đến trường. Cô đã đến từng nhà, từng con rẫy, con nương, cùng ăn cơm với đồng bào để làm công tác tư tưởng. Bằng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, cô đã dần thay đổi tư duy của người lớn. Trẻ con đi học con chữ, người lớn cũng đến lớp học con số, ghép vần để xóa mù. Từ đó, bản làng dấy lên phong trào thi đua học tập.

Ngày 20/11: Những thầy cô giáo nghèo mấy mươi năm cắm bản vùng cao, nhiều lần đối mặt tử thần vẫn kiên cường gieo từng con chữ - Ảnh 1
Cô Hạnh luôn hạnh phúc với công việc trồng người của mình - Ảnh: Internet

Cô Hạnh tâm sự với PV Gia Đình và Xã Hội: "Mình vất vả vận động, gây dựng phong trào học tập nhưng hễ mưa giông, gió bấc thì học sinh lại nghỉ học. Khách quan thì cũng phải chịu vì giao thông chia cắt, suối lớn, nước lũ to nên học sinh không thể đến trường.

Có thời điểm học sinh phải nghỉ cả nửa tháng, mình lại phải đi vận động lại từng nhà. Chương trình, giáo án dạy học có khi cả năm rưỡi, hai năm mới dạy xong một lớp! Nhưng tình yêu nghề, sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh là những động lực giúp chúng tôi bước tiếp".

Không chỉ vượt qua khó khăn về điều kiện khách quan, cô còn phải chiến đấu với nỗi nhớ nhà luôn thường trực. Nhiều đồng nghiệp của cô sau khi xung phong lên miền ngược đã bỏ cuộc giữa chừng.

Cô cảm thấy mình may mắn hơn khi được chồng hết lòng ủng hộ trong sự nghiệp trồng người. Anh Nguyễn Xuân Chinh (xã Mục Sơn, huyện Thọ Xuân) đã cùng vợ lên vùng cao dựng nhà, cắm bản, sống cùng học sinh.

Hơn 15 gắn bó với bản Én, bông hoa miền biển đã đang và sẽ tiếp tục khát vọng  gieo chữ lên non để học trò vùng cao vững bước đến trường. 

30 năm dạy học, 2 lần dính sốt rét rừng đối mặt tử thần

Với thâm niên 30 năm gắn bó với nghề, thầy Đinh Quốc Đạt – giáo viên Trường tiểu học Xuân Lộc (xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân) là một trong những giáo viên tiên phong trong phong trào cắm bản, khai mở những khu học mới.

Tháng 9/1990, thầy Đạt tình nguyện lên công tác tại xã vùng cao Bát Mọt (huyện Thường Xuân). Từ trung tâm huyện vào bản là quảng đường dài gần 80 cây số.

Thầy Đạt đã có một năm gắn bó tại xã Bát Mọt với những ngày cuốc bộ vượt núi, leo đồi cùng chết độ đãi ngộ là 30 nghìn đồng tiền lương (tương đương 50 kg thóc lúc bấy giờ). Sau đó, thầy lại được điều động lên xã Xuân Liên, khu vực giáp biên với tỉnh bạn. Thầy vẫn tiếp tục công tác mở lớp xóa mù và gây dựng phong trào học tập.

Chính tại vùng đất này, thầy đã 2 lần trải qua cơn sốt rét rừng thập tử nhất sinh. Trận sốt rét đầu ập đến khi thầy vừa chuyển đến bản gần một tháng. Cơn sốt rét kéo dài suốt một tuần khiến thầy sụt mất 13 kg, từ một thanh niên 51 kg, thầy chỉ còn 38 kg.

Ngày 20/11: Những thầy cô giáo nghèo mấy mươi năm cắm bản vùng cao, nhiều lần đối mặt tử thần vẫn kiên cường gieo từng con chữ - Ảnh 2
Những trận sốt rét rừng không làm chùn bước chân người thầy luôn tiên phong mở trường, mở lớp - Ảnh: Internet

Ba năm sau, thầy Đạt gặp phải trận sốt rét tiếp theo. Sau khi bà con, thầy trò góp tre, luồng dựng trường mở lớp ở khu Hón Mong, cơn sốt rét lại hành hạ thầy. Thầy Hoàng Cao Khải – Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Lộc vẫn nói vui, trong người thầy Đạt nếu mổ ra chắc phải được 1 thúng ấu trùng sốt rét.

Cảm thấy mình vẫn còn may mắn khi đối diện với tử thần, thầy Đạt tâm sự: “Sốt rét bấy giờ đã cướp đi một đồng nghiệp của tôi. Sông suối, mưa lũ cũng cuốn thêm một đồng nghiệp cắm bản khác. Mình còn cống hiến được đến ngày nay, gần 30 năm qua xem ra hãy còn may mắn!”

Những năm gần đây, điều kiện cơ sở vật chất và sinh hoạt của đồng bào đã bớt khó khăn khiến các thầy cô yên tâm công tác. Thế nhưng, ký ức về những năm tháng gian nan bám bản, bám trường vẫn in sâu trong tâm khảm của cô Hạnh, thầy Đạt và những đồng nghiệp chung hành trình mang chữ lên non.

Tại huyện miền núi Thường Xuân phía tây tỉnh Thanh Hóa, có gần 200 điểm trường lẻ gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Nhiều năm qua, đã có hàng nghìn giáo viên tình nguyện bám bản, bám trường, kiên cường dạy dỗ các học sinh vùng cao biết đọc, biết viết.

 

Thần Tài hô tên 3 con giáp này đỏ cả tình lẫn tiền, đường tài lộc suôn sẻ, không gặp trắc trở, đón tết 2023 phú quý

Những con giáp dưới đây gánh hết lộc trời về nhà, làm việc gì cũng thành công hơn người, đổi vận giàu sụ trước thềm 2023.

TIN MỚI NHẤT