Mâm 'cơm thừa canh cặn' được bố mẹ chồng 'để phần' của cô vợ trẻ ở cữ, rời Hà Nội lấy chồng xa

Đời sống 16/02/2017 22:22

"Trưa và tối mình cho con ăn, nhưng bố mẹ chồng chẳng bao giờ đợi mình để cả nhà cùng ăn. Mình cho con ăn xong là một mâm bát đợi rửa, và hôm nào thức ăn cũng chẳng còn lại là bao, có hôm còn tí nước canh".

Các cụ thường dạy con cháu rằng "Chớ eo xèo khi đãi khách, đừng hậm hực lúc ăn cơm", ấy là nhắc nhở phép tắc cư xử khi ngồi bên mâm cơm nhà. Trời đánh còn tránh miếng ăn, chung quy lại là chúng ta nên ăn uống với tâm trạng thoải mái, không nên khó chịu hoặc làm những việc linh tinh, xích mích khi ăn. Ấy thế mà trong cuộc sống hàng ngày, mọi thứ đều không như ý muốn, nhiều chuyện bát xô đũa lệch, cãi vã tranh chấp đều từ mâm cơm mà ra.

Hình như nhịp sống đương đại khiến người ta quên đi tình cảm gia đình, bỏ qua lễ nghĩa, như cách đây không lâu có cô gái trẻ lên mạng thở vắn than dài vì đi làm về muộn thường xuyên bị chị gái cho ăn cơm với những món toàn đầu thừa đuôi thẹo, đúng nghĩa "miếng ăn là miếng nhục" khiến người khác trông thấy mà xót xa thay. Thế nhưng, cái nỗi hậm hực của cô ấy cũng chưa thấm vào đâu so với mâm cơm thừa canh cặn, chỉ vỏn vẹn mấy cục xương gà của nàng dâu trẻ xấu số dưới đây.

Mâm 'cơm thừa canh cặn' được bố mẹ chồng 'để phần' của cô vợ trẻ ở cữ, rời Hà Nội lấy chồng xa - Ảnh 1
"Mâm cơm của mình các mẹ ạ..."

"Trưa và tối mình cho con ăn, nhưng bố mẹ chồng chẳng bao giờ đợi mình để cả nhà cùng ăn. Mình cho con ăn xong là một mâm bát đợi rửa. Cũng không có gì đáng nói cái chuyện rửa bát, nhưng hôm nào thức ăn cũng chẳng còn lại là bao, có hôm còn tí nước canh. Nay mẹ chồng ăn xong lên bế bé cho mình và bảo "còn đĩa thịt gà đấy, xuống mà ăn đi".

Trần đời chưa từng thấy "đĩa" thịt gà nào như vậy chị em ạ. Ông bà nấu gì cũng mặn mà, ăn dè dặt. Nhà 5 người có hôm chỉ kho 2 quả trứng. Mình có mua thức ăn về nấu thì mẹ chồng cũng không động đũa. Còn nói mua làm gì tốn tiền, thừa tiền đưa cho tao. Mình ở cữ, chồng làm xa, hôm nào mẹ chồng cũng nói bóng nói gió việc phải chăm mẹ con mình. Tủi thân vô cùng".

Đọc đến đây nhiều mẹ bỉm đã điên tiết không chịu được, bởi trên đời này hàng triệu người cũng đi làm dâu giống thế, nhưng hiếm có ai chịu nỗi khổ bị đối xử tệ bạc đến vậy, có khi con cún cưng còn được ăn nhiều hơn phần cơm chỉ toàn nước thừa canh cặn như trên. Nhịn thì nhịn chuyện lớn, chuyện nhạy cảm, chứ ai lại đi nhịn chuyện bữa cơm bao giờ, bởi nó cũng không phải điều gì quá to tát. 

Dường như bây giờ nhiều người cố tình quên đi tình cảm thân thiết, yêu thương nhau qua những bữa ăn, để nhường chỗ cho sự ích kỷ, không hề quan tâm đến cảm xúc của người khác, ăn trước thì được phép bày bừa, dùng hết phần ngon, còn ăn sau thì mặc kệ.

Mâm cơm đủ đầy bát đũa đấy, đủ món canh món mặn đấy, nhưng toàn là đồ ăn "tàng hình", căng mắt ra nhìn cũng chẳng thấy nổi 1 miếng thịt gà ra hồn, toàn nước thừa sót lại, thật khiến người ta thương đến trào nước mắt. 

Vài người tỏ ra thông cảm, khuyên nàng dâu trẻ rằng có thể mẹ chồng lớn tuổi, vẫn giữ nếp nghĩ cổ hủ, quen nấu ăn như thời xưa, sợ lãng phí, nên nghĩ thoáng ra. Nhiều chị em cũng gật gù cho rằng chuyện trong nhà thì nên nghĩ cách xử lý nhẹ nhàng thôi, biết tính mẹ chồng như vậy thì xin phép ăn riêng cho đỡ nhọc lòng, lấy cớ còn phải chăm sóc con nhỏ, chịu khó làm đồ ăn một mình, cũng chẳng đáng là bao. Tuy nhiên, có chị em lại phản đối gay gắt, cho rằng mẹ chồng làm vậy là quá đáng, 1-2 lần còn nhịn được chứ về làm dâu bao lâu vẫn vậy, thì khác gì coi con dâu như người dưng nước lã, ăn xin còn được bố thí nhiều hơn. Phải chụp ảnh lại gửi cho chồng ở xa, để biết cách giải quyết cho ổn thỏa, chứ mỗi chuyện mâm cơm thôi cũng đủ khiến tình cảm gia đình trở nên nguội lạnh, chung sống mệt mỏi, để lâu lại thành không hay.

Mâm 'cơm thừa canh cặn' được bố mẹ chồng 'để phần' của cô vợ trẻ ở cữ, rời Hà Nội lấy chồng xa - Ảnh 2
Bữa "cơm thừa canh cặn" mà chị ruột chừa cho em gái cũng mặn chát không khác mâm cơm ở trên

Tuy nhiên, sự thật đằng sau bữa cơm thừa canh cặn ấy còn khiến nhiều người bất ngờ hơn, bởi lẽ nàng dâu trẻ ấy vốn là con nhà gia giáo, chấp nhận theo chồng bỏ phố thị phồn hoa về sống với bố mẹ chồng. Để rồi bao chuyện đắng cay xảy ra, mẹ chồng cạnh khóe suốt ngày, chẳng phán xét ai đúng ai sai nhưng mâu thuẫn nhỏ nhặt hàng ngày đã đủ nhen lên ngọn lửa tủi nhục trong lòng cô gái tội nghiệp. Một thân một mình nơi đất khách quê người, cô đã bắt đầu thấm thía thế nào là lấy chồng xa.

"Mình ở Hà Nội, gia đình cũng bình thường nhưng không bao giờ phải lo ăn uống, mọi thứ cũng đủ đầy. Lấy chồng về đây, mình thấy vô cùng mệt mỏi, khổ từ ăn uống. Con nhỏ nhanh đói mình mua thêm bánh ăn thì mẹ chồng lôi xềnh xệch vứt ra bảo để đồ ăn trong nhà để kiến nó bò vào à. Rồi cất luôn bánh của mình vào tủ của bà, khóa lại.

Chưa khi nào vì miếng ăn mà mình tủi nhục thế. Tết có người mừng tuổi bé, bà không mừng mà kêu mình mừng lại họ rồi cũng cầm luôn tiền của con mình. Có cái xe đạp điện mua mấy năm rồi, trả tiền xong xuôi rồi năm nay bảo bọn mình cho bà xin tiền cái xe. Chồng mình đi làm vất vả đc mấy đồng lại đưa cho bà. Đã vậy tiền đi chợ bà cũng đòi, đưa bà 6 triệu mà bà không bỏ đồng nào ra mua thức ăn. Nhà có gì ăn đấy. Có bữa chỉ mỗi khoai tây luộc của nhà trồng được chứ cũng không mua.

Thời buổi này có ai còn khổ thế không. Có phải sướng trước khổ sau không chị em? Trước ở với bố mẹ thì như công chúa, giờ thì...".

Những cảnh xót lòng có lẽ còn kéo dài nhiều hơn nữa, chứ không phải chỉ có mỗi ở trên, nhưng bà mẹ trẻ cũng chẳng còn sức để mà kể lể, rồi lại bị mang tiếng là nói xấu mẹ chồng. Ai hiểu thì hiểu, cảm thông thì sẻ chia, chứ cô ấy cũng biết là đăng lên mạng cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ thấy nhẹ nhõm vì nói ra được nỗi khổ giấu kín thôi.

Miếng ăn cũng thể hiện nhân cách và sự tôn trọng của người với người, dù là khách hay người thân trong nhà với nhau cũng nên giữ gìn nét văn hóa như cha ông ta đã dạy. Bởi lẽ thường ngày, ai cũng biết chỉ có giây phút cả nhà quây quần bên mâm cơm là lúc vui vẻ đầm ấm nhất, đi đâu xa cũng chỉ nhớ đến bữa ăn có đủ đầy mẹ cha, anh chị em, con cháu. Để phần cho nhau đĩa thịt gà chỉ còn vài cục xương, con cá chỉ còn mỗi đầu với vảy, bát canh lõng bõng cặn... đổi lại là chính mình, có thấy đau lòng không?

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT