Có hay không việc nên đốt vàng mã vào ngày rằm tháng 7?

Đời sống 18/08/2017 15:48

Đốt vàng mã là một hoạt động rất phổ biến vào ngày rằm tháng 7. Tuy nhiên, liệu tục lệ này có còn phù hợp trong xã hội hiện đại.

Rằm tháng 7 năm 2017 đang đến gần. Đa phần các gia đình đều rục rịch lên kế hoạch sắm sửa cho một ngày rằm thật tươm tất, bao gồm việc chuẩn bị đồ lễ cho các mâm cúng Phật, thần linh, gia tiên, cúng cô hồn, cúng phóng sinh, tìm hiểu các bài khấn và lựa chọn ngày giờ phù hợp sao cho các thành viên đều có thể tham gia đông đủ.

Đốt vàng mã
Đốt vàng mã. Nguồn: Internet.

Trong không khí rạo rực của ngày rằm tháng 7, có một vấn đề mà rất nhiều người vẫn còn băn khoăn không biết nên làm như thế nào đó chính là việc đốt vàng mã. Thực tế, đốt vàng mã là một hoạt động phổ biến vào ngày rằm, đặc biệt là rằm tháng 7 trong văn hóa truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi cuộc sống ngày càng sung túc, hiện đại, con người cũng bắt đầu coi trọng lễ nghi và “đầu tư” nhiều hơn cho việc cúng bái. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, giờ đây rất nhiều loại vàng mã được bày bán, đa dạng các chủng loại và chất liệu, từ mô phỏng ô tô, xe hơi, nhà lầu cho đến các loại quần áo thời trang, đồ dùng cá nhân… Hiển nhiên có cung mới có cầu, càng nhiều người quan tâm thì càng nhiều người bán. Chính vì suy nghĩ này khiến cho tục đốt vàng mã rằm tháng 7 bắt đầu có những dấu hiệu tiêu cực, biến tướng.

Tại sao lại có tục đốt vàng mã vào ngày rằm tháng 7?

Theo quan niệm dân gian, sau cái chết, con người cũng có một đời sống và nhu cầu như lúc sống ở dương thế. Nhiều người vì tiếc thương người thân đã mất nên cứ đến ngày rằm tháng 7 lại mua rất nhiều đồ vàng mã đủ các loại để đốt với mong muốn người thân ở cõi âm cũng được sung túc như mình. Vậy căn cơ của tục đốt vàng mã này là từ đâu?

Người dân đốt vàng mã vào ngày rằm tháng 7
Người dân đốt vàng mã vào ngày rằm tháng 7. Nguồn: Internet.

Theo nhiều nguồn tài liệu và các nhà nghiên cứu Phật giáo, tục đốt vàng mã không phải là chỉ dẫn của đạo Phật. Nếu xem xét sâu hơn trong lịch sử thì sẽ thấy, tục lệ này không phải do người Việt đặt ra mà chính là người Trung Quốc.

Kinh dịch Nho giáo viết rằng thời thượng cổ, người chết cứ để vậy đem chôn, không có phần mộ, quan quách. Qua nhiều triều đại, việc chôn cất được “đa dạng hóa” dần và đến nhà Chu thì bắt đầu xuất hiện việc chôn cả những vật dụng quý giá, kể cả thê thiếp cùng người chết.

Đến năm Nguyên Hưng đời Hán Hoa, ông Thái Lĩnh tìm ra được cách làm giấy bằng vỏ cây dó, giẻ rách… nên việc sản xuất vàng bạc, áo quần… bằng giấy phổ biến dần để thay thế cho đồ thật dùng để đốt sau khi cúng. Một thời gian sau, tục đốt vàng mã này được phổ cập đại chúng.

Trải qua hàng ngàn năm bị đô hộ bởi Trung Hoa, tục đốt vàng mã dần phát triển rộng rãi ở Việt Nam và cho tới tận bây giờ vẫn là một tập tục quan trọng trong các ngày rằm hay lễ tết.

Tuy nhiên, việc làm này hoàn toàn trái ngược với quan niệm của Đạo Phật. Bởi ý nghĩa ngày rằm tháng 7 nằm ở lễ lạt lòng thành, cảm tạ công ơn Trời Phật, gia tiên, cha mẹ chứ không phải phô trương giàu sang bằng việc đốt thật nhiều vàng mã.

Rằm tháng 7 có nên đốt vàng mã không?

Vàng mã được bày bán ở chợ
Vàng mã được bày bán ở chợ. Nguồn: Internet.

Như trên đã nói, giáo lý nhà Phật không cổ xúy cho việc bỏ ra thật nhiều tiền cho việc cúng vàng mã. Không ít gia đình cứ đến rằm tháng 7 lại trích ra một khoản tiền khá lớn, thậm chí lên đến hàng chục triệu đồng để mua đủ các loại vàng mã cúng cho người âm, từ quần áo, biệt thự, xe hơi, smartphone cho đến mỹ phẩm. Họ cho rằng người thân ở thế giới được sung túc thì sẽ càng phù hộ cho gia đình họ làm ăn tấn tới.

Nhưng cái gì quá cũng sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề. “Đốt tiền” vào hàng mã trở thành một hiện tượng lãng phí rất khó “kiềm chế”. Vì nghĩ rằng một năm chỉ có một nằm tháng 7 và sợ bị cho là thiếu “lòng thành” nên các chị em khi đi ra chợ mua hàng mã hiếm khi ngần ngại. Đành rằng đốt vàng mã là một điểm nổi bật trong văn hóa tín ngưỡng nhưng lợi dụng nó để phô trương giàu sang hay quá mê tín dị đoan lại là điều cần phải nhìn nhận lại.

Một cách chính xác, rằm tháng 7 có nên đốt vàng mã hay không tùy thuộc vào từng gia đình. Nếu nhà bạn thường đốt vàng mã vào ngày này trong các năm trước thì hãy tiếp tục, nhưng cần lưu ý đốt vừa phải và đúng mực để gìn giữ thuần phong mỹ tục, tránh chạy theo phong trào, đua đòi theo xu thế. Ngoài ra, cũng cần nhớ rằng có rất nhiều cách để thể hiện lòng thành kinh với Trời Phật, tổ tiên chứ không nhất thiết phải đua nhau đốt vàng mã.

 

TIN MỚI NHẤT