Chuyện về nghĩa trang hài nhi 21.500 nấm mồ và những người suốt 17 năm thu lượm xác

Đời sống 23/10/2017 18:58

Bé Trung Thu, bé Noel, bé Giáng sinh… đó là những cái tên tưởng nhớ ngày những hài nhi mất đi quyền được sống tại một nghĩa trang giữa lòng phố núi Pleiku (Gia Lai). Nơi đây có những tấm lòng nhân ái suốt 17 năm đi thu lượm xác thai nhi, cứu sống những đứa trẻ từ những bà mẹ trẻ bất đắc dĩ.

Nơi trú ngụ của những hài nhi xấu số

Nằm lọt thỏm giữa nghĩa trang thành phố Pleiku, nghĩa trang Đồng Nhi là nơi yên nghỉ của 21.500 hài nhi xấu số.

Theo lời người dân địa phương, nghĩa trang Đồng Nhi do linh mục Nguyễn Vân Đông thành lập từ năm 1992. Về sau, sức khỏe yếu, ông đã bàn giao cho cụ Lê Thị Tâm (81 tuổi) và ông Nguyễn Phước Phụng (49 tuổi) trông coi.

Từ đó đến nay, suốt 17 năm, ông Phụng đã gắn bó với công việc thu lượm thi thể các hài nhi về chôn cất. Các bé bị bỏ lại bên đường, trên những ngôi mộ trong nghĩa trang, có khi là trong túi ni lông lủng lẳng trên cành cây. Chưa kịp chào đời đã bị vứt bỏ, một số thi thể hài nhi còn bị mất đi một phần cơ thể do bị côn trùng, súc vật ăn.

Chuyện về nghĩa trang hài nhi 21.500 nấm mồ và những người suốt 17 năm thu lượm xác - Ảnh 1
Ông Phụng hằng ngày vẫn hương khói cho khu mộ của các hài nhi - Ảnh: Internet

Những hài nhi ấy không được sinh ra, hiển nhiên các em cũng không có một cái tên đàng hoàng gắn với cuộc đời và số phận. Những cái tên bé Trung Thu, bé Noel, bé Giáng sinh… được khắc lên bia mộ của những hài nhi này để tưởng nhớ ngày các bé mất đi quyền được sống, được làm người.

Cách đây 4 năm, mỗi ngày ông Phụng chỉ khâm liệm cho 3 bé, nhưng những năm gần đây, con số tăng lên đến 5 - 6 bé/ngày, thậm chí có ngày lên đến 30 bé.

Chuyện về nghĩa trang hài nhi 21.500 nấm mồ và những người suốt 17 năm thu lượm xác - Ảnh 2
Cụ Tâm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn gắn bó với công việc chăm sóc nghĩa trang Đồng Nhi - Ảnh: Internet

Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, đã có hơn hơn 1.500 hài nhi được chôn cất tại nghĩa trang này.

“Nghĩ mà cay đắng, sao quyền được sống của các cháu có thể mong manh đến vậy”, ông Phụng xót xa chia sẻ.

17 năm chôn xác hài nhi, cứu sống hàng chục đứa trẻ từ trong bụng mẹ

Việc thu lượm thai nhi về chôn cất có lẽ là cái duyên của ông Phụng gắn liền với nghĩa trang Đồng Nhi này. Không chỉ có vậy, ông Phụng còn đèo bòng công việc nhiều người cho là ngớ ngẩn: nhận nuôi các cô gái có ý định phá thai đến ngày sinh.

“Điều mà tôi vui nhất trong mười mấy năm qua chính là đã cứu sống hơn 20 cháu từ trong bụng mẹ. Sau đó, các em bé được gửi ở các chùa và những gia đình muốn nhận con nuôi. Bé lớn nhất năm nay đã học lớp 4, nhìn nụ cười trên môi các cháu mà lòng tôi thấy vui đến lạ”, ông Phụng trải lòng.

Những sinh viên trẻ người non dạ, những cô gái quê mới lên thành phố lạ nước lạ cái, lầm lỡ, những cô hành nghề mại dâm... là những người mẹ bất đắc dĩ đã bỏ rơi những đứa con còn đỏ hỏn của mình. Một lần trót dại dẫn đến có thai ngoài ý muốn, những bà mẹ trẻ này sợ tai tiếng, không đủ khả năng nuôi con nên đành lòng tìm cách phá thai hay bỏ rơi khi con vừa chào đời. Ông Phụng đã đến những nơi có thể xin được thai nhi xấu số về chôn cất, để các bé có nơi an nghỉ, không bị bơ vơ.

Chuyện về nghĩa trang hài nhi 21.500 nấm mồ và những người suốt 17 năm thu lượm xác - Ảnh 3
Tấm biển đặt phía ngoài nghĩa trang Đồng Nhi - Ảnh: Internet

Chia sẻ với PV Dân Việt, những người như cụ Tâm, ông Phụng đều nghẹn ngào: “Giá như giới trẻ ý thức được việc nạo phá thai, giá như họ hiểu được một phần nào cái gọi là quyền sống, quyền được vui đùa của những sinh linh bé nhỏ, có lẽ số thai nhi bị tước đi quyền sống sẽ không nhiều đến vậy".

Tâm sự đầy ám ảnh của bác sĩ chuyên nạo phá thai: 'Nhiều ông bố không cho con ra đời vì chúng là con gái'

Bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung, người đã thực hiện hàng nghìn ca phá thai, hé lộ nhiều sự thật đau lòng quanh công việc khó nói này khiến nhiều người phải giật mình.

TIN MỚI NHẤT