Các hoạt động ngày tết truyền thống của người Việt

Đời sống 01/12/2022 15:05

Tìm hiểu những hoạt động ngày tết truyền thống đặc trưng nhất của người Việt vào ngày tết, chẳng hạn như nấu bánh chưng, mừng tuổi hay hái lộc.

Tết Nguyên Đán thường diễn ra vào 23 tháng Chạp kéo dài đến ngày mùng 7 tháng Giêng, vào khoảng thời gian này có rất nhiều hoạt động để chào mừng như: múa lân – sư – rồng, đốt pháo, hội hoa xuân, gói bánh, viết câu đối, cùng với nhiều bài nhạc Tết vô cùng sôi động,…Ngoài những hoạt động này, ngày tết ở Việt Nam còn có một số hoạt động đặc trưng mang tính truyền thống và đầy ý nghĩa khác. Hãy cùng khám phá chi tiết ở ngay bài viết dưới đây nhé!

Những hoạt động trong ngày Tết Cổ truyền Việt Nam

1. Sắm tết

Các hoạt động ngày tết truyền thống của người Việt - Ảnh 1
 Phiên chợ tết thường sẽ mở vào 25 tháng Chạp đến 30 tháng Chạp!

Chợ Tết là những phiên chợ có phiên họp chợ vào trước tết từ 25 tháng Chạp cho đến 30 tháng Chạp, với đa dạng các mặt hàng, nhưng nhiều nhất là các mặt hàng phục vụ cho tết Nguyên Đán như lá dong để gói bánh chưng, gạo nếp để gói bánh chưng hoặc nấu xôi, gà trống, các loại trái cây dùng thờ cúng (ngũ quả) để cúng tổ tiên,…

Vì tất cả những người buôn bán hầu như sẽ nghỉ bán hàng trong những ngày Tết và không có họp chợ trong những ngày đầu năm mới nên thông thường, mọi người phải mua để dùng cho đến khi họp chợ trở lại, dẫn đến việc đây là thời điểm đưa đến mức cầu lên rất cao.

2. Cúng ông Táo

Các hoạt động ngày tết truyền thống của người Việt - Ảnh 2
 Bữa cơm cúng ông Táo của người Việt!

Công việc sửa soạn cho ngày Tết của người Việt thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, là ngày mà người Việt cúng ông Táo (Táo quân). Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt xấu của gia chủ.

Ông Táo được cúng vào trưa hoặc chiều ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Lễ cúng gồm có hương, nến, hoa quả, vàng mã và hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà kèm theo ba con cá chép (cá chép thật hoặc cá chép làm bằng giấy kèm theo cỗ mũ).

3. Tất niên

Tất niên
Tất niên là dịp để gia đình sum vầy!

Ngày Tất niên có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên. Buổi tối ngày này, người ta làm cỗ cúng tất niên để tiễn năm cũ và chuẩn bị chào năm mới.

4. Giao thừa

Các hoạt động ngày tết truyền thống của người Việt - Ảnh 4
 Cúng giao thừa là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết Cổ truyền tại Việt Nam!

Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc giao thừa, mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Dịp này, người ta thường bắn pháo hoa ở những địa điểm rộng rãi, thoáng mát. Các gia đình sẽ tiến hành cúng giao thừa (lễ trừ tịch) bao gồm hai hình thức cúng là cúng trong nhà và cúng ngoài trời.

5. Xông đất

Các hoạt động ngày tết truyền thống của người Việt - Ảnh 5
 Tục xông đất đầu năm được rất nhiều gia đình coi trọng!

Xông đất (hay đạp đất, mở hàng), tục lệ này đã có từ lâu đời ở Việt Nam. Nhiều người quan niệm ngày Mồng Một "khai trương" một năm mới, họ cho rằng vào ngày này, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn, cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ. Chính vì vậy, người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng.

Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính cách vui vẻ, hoạt bát, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng 5 đến 10 phút chứ không ở lại lâu, hầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy, thông suốt.

6. Xuất hành và hái lộc

Các hoạt động ngày tết truyền thống của người Việt - Ảnh 6
 Hái lộc đầu xuân, mang may mắn về nhà!

Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm, thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần...

Tại miền Bắc, nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục hái lộc. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ.

Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm, nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở miền Trung vẫn giữ nguyên lá xanh biếc suốt cả mùa xuân.

7. Chúc Tết

Các hoạt động ngày tết truyền thống của người Việt - Ảnh 7
 Chúc thọ, chúc tết những bậc cao niên trong gia đình!

Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính Đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là tăng thêm một tuổi).

8. Mừng tuổi

Các hoạt động ngày tết truyền thống của người Việt - Ảnh 8
 Lì xì "lấy hên" cho trẻ nhỏ!

Lì xì là tập tục người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay "hồng bao", gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng ăn mau, chóng lớn. Theo cổ tích Trung Quốc thì trong "hồng bao" có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu.

9. Hóa vàng

Các hoạt động ngày tết truyền thống của người Việt - Ảnh 9
 Hóa vàng để hiếu kính với tổ tiên!

Ngày mồng 4 tháng Giêng theo lịch cổ là ngày con nước. Trong ngày này, người Việt làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, đặng phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn phát đạt.

10. Khai hạ

Các hoạt động ngày tết truyền thống của người Việt - Ảnh 10
 Khai hạ là nghi thức kết thúc dịp tết Nguyên đán và bắt đầu công việc cho một năm mới!

Ngày mồng 7 tháng Giêng (cũng có thể là mồng 6 tháng Giêng) là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết. Trong ngày này, người Việt làm lễ hạ Cây nêu, gọi là lễ Khai hạ, kết thúc dịp Tết Nguyên đán và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới từ ngày mồng 8 hoặc mồng 9 tháng Giêng).

Trên đây là các tập tục, phong tục ngày Tết Nguyên Đán Việt Nam, đã được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay. Với thời điểm năm mới đang đến gần, chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới quý độc giả, những người đã đồng hành mỗi ngày cùng chúng tôi. Đồng thời, cũng xin kính chúc các độc giả có một mùa tết yên ấm, vui tươi và tràn đầy lộc xuân nhé!

Nguồn gốc, ý nghĩa và phong tục cúng đêm giao thừa của người Việt

Lễ cúng giao thừa là nét đẹp văn hóa được lưu truyền từ bao đời nay của người Việt. Vậy nguồn gốc, ý nghĩa của phong tục này đến từ đâu? Hãy cùng khám phá câu trả lời chi tiết ở ngay bài viết dưới đây nhé!

TIN MỚI NHẤT