Bạn có biết cách bày mâm ngũ quả miền Bắc như thế nào không?

Đời sống 27/09/2022 10:02

Mâm ngũ quả miền Bắc không chú trọng vào ý nghĩa của các loại quả như người miền Nam nhưng lại thiên nhiều theo thuyết Ngũ hành.

Gọi là ngũ quả nhưng thật ra chẳng ai rõ quy định là những loại quả gì mà tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu một số quy tắc bày mâm ngũ quả ngày tết của người miền Bắc nhé.

Bạn có biết cách bày mâm ngũ quả miền Bắc như thế nào không? - Ảnh 1
Mâm ngũ quả đầy màu sắc miền Bắc!

Đầu tiên, dù là loại quả gì đi nữa, kể cả mâm ngũ quả người miền Bắc, miền Trung hay miền Nam thì chúng vẫn mang một ý nghĩa chung: dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia sự. Mỗi loại quả đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định.

Mâm ngũ quả miền Bắc thường có 5 loại quả khác nhau, mỗi loại lại có một ý nghĩa nhất định, thường tượng trưng cho nguyên ước của gia chủ về những điều tốt lành trong năm mới. Bày mâm ngũ quả đủ đầy, nhiều màu sắc trên bàn thờ ông bà tổ tiên trong mỗi dịp tết đến, xuân về đã là truyền thống lâu đời của người Việt. Cụ thể, ngũ quả ngày tết miền Bắc thường sẽ có chuối xanh, bưởi, phật thủ, sung, hồng, quất cảnh, ớt, dứa với các màu sắc hài hòa, tượng trưng cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Bạn có biết cách bày mâm ngũ quả miền Bắc như thế nào không? - Ảnh 2
Mâm ngũ quả miền Bắc được bày theo thuyết Ngũ hành!

Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả xen kẽ với nhau để đẹp mắt, hợp phong thủy ngày Tết. Tuy không câu nệ nhiều hay ít, nhưng mọi người đều sắm đủ lễ, đủ loại, hoa quả phải thuận theo ý nghĩa để bày cúng.

Do trái cây ngày càng nhiều, loại nào cũng ngon, bổ nên để thể hiện cao nhất lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, đồng thời cũng nhằm thể hiển tính trình bày mỹ thuật trong con mắt thẩm mỹ độc đáo của nhân dân, nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, và người ta cũng không câu kệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Nhiều hơn, nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả” và, dù đựng trong đĩa cũng vẫn gọi theo xưa là “mâm." Bởi đây là một “sản phẩm văn hóa” đã xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài, được khuôn đúc theo quan niệm về “bộ ngũ hoàn hảo."

Cách trình bày mâm ngũ quả miền Bắc

Bạn có biết cách bày mâm ngũ quả miền Bắc như thế nào không? - Ảnh 3
Mỗi loại trái cây trong mâm ngũ quả đều mang ý nghĩa riêng!

Cách trình bày ngũ quả ngày tết ở miền Bắc theo truyền thống đó là nải chuối được đặt ở dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Mâm ngũ quả đẹp là mâm ngũ quả có đủ màu sắc rực rỡ. Các loại quả nhỏ được đặt xen kẽ, tạo nên sự hài hòa và đẹp mắt.

Chuối trong mâm ngũ quả được bày theo nải, là chuối xanh, tượng trưng cho sự quần tụ, sum vầy, đầm ấm. Cùng với đó, chuối còn thể hiện sự chở che và hứng lấy may mắn trong năm mới.

Quả bưởi nằm chính giữa mâm ngũ quả mang hi vọng về năm mới đầy đủ, an khang. Bưởi có màu vàng, tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn. Ngày nay, nhiều gia đình đã thay bưởi bằng phật thủ, thêm ý nghĩa về bàn tay phật luôn bảo vệ, che chở cho mọi thành viên trong nhà.

Quả quất cảnh, quả hồng hay trứng gà được tô điểm xung quanh mâm ngũ quả vì có màu đỏ, vàng rực rỡ, vô cùng đẹp mắt. Bên cạnh đó, đây cũng là những loại quả mang tới sự thành đạt theo quan niệm dân gian.

Quả dứa có mùi thơm đặc trưng, thể hiện mong ước về một năm mới an lành và nhiều phúc lộc.

Thanh long là loại quả mang tới sự cát tường, thịnh vượng và may mắn. Lớp vỏ ngoài của thanh long gợi liên tưởng tới ý nghĩa rồng mây hội tụ nên nhiều gia đình rất hay chọn thanh long làm loại quả đặt trên ban thờ trong ngày đầu năm.

Quả đu đủ gợi ý nghĩa đầy đủ, thịnh vượng cho gia chủ trong năm mới.

Những sai lầm thường mắc phải khi bày mâm ngũ quả

Sai lầm 1: Rửa quả cho sạch để bày mâm ngũ quả 

Nhiều gia đình mua quả về, thường rửa cẩn thận cho quả bóng, đẹp. Song việc rửa quả sẽ làm quả sớm bị héo hoặc thối nếu có chỗ đọng nước. Chính vì thế, bạn chỉ cần dùng khăn giấy ẩm lau sạch quả là được. Với những quả bưởi mà vỏ bị ố vàng hay mốc xanh, các chị em có thể hòa chút nước vôi sạch, thấm vào khăn lau đều sẽ cho vỏ bưởi vàng mà không lo đọng nước, héo bưởi nhé.

Sai lầm 2: Chọn ngay quả chín đẹp để bày mâm ngũ quả

Thông thường, vào những dịp tết hay ngày giỗ của gia đình, vì nhu cầu cần có ngay một mâm quả đẹp và không quá tốn thời gian, nhiều chị em đã không ngần ngại mà chọn mua ngay những loại quả chín tươi, đẹp. Tuy nhiên, những quả này lại không để được lâu, rất nhanh héo và chín quá.

Chính vì vậy, các chị em nên lựa những quả già nhưng chưa chín quá (tùy theo thời gian mua có sát ngày 30 Tết chưa): Chuối nhất định phải là chuối xanh (để đủ cứng cáp, đỡ những quả khác và còn đảm bảo ý nghĩa màu sắc theo Ngũ Hành); Các loại quả xoài, mãng cầu, đu đủ, hồng… nên mua quả ương về bày để không bị thối. Quả dưa hấu mang tính đấng trí nhân quân tử, xanh vỏ đỏ lòng. Và dù nhiều loại hoa quả, cũng nên bày thêm quả Phật thủ, giống biểu tượng bàn tay Phật nhé.

Trên đây là tất tần tật mọi thông tin cũng những lưu ý về bày mâm ngũ quả tại nhà. Hy vọng với những chia sẻ này, các chị em sẽ tự mình bày được những mâm ngũ quả hoàn hảo nhé!

Cây hoa bông tuyết và các lưu ý khi trồng tại nhà!

Hoa bông tuyết - nhỏ xinh mang sắc màu tươi mới, luôn là một trong những loại hoa được nhiều gia chủ và dân chơi hoa yêu thích nhất!

TIN MỚI NHẤT