Hạnh phúc gia đình như một... mầm cây

Chuyện vợ chồng 15/05/2015 16:56

H.L. Menken đã từng nói “Hôn nhân là cuốn tiểu thuyết mà nhân vật chính đã chết ngay ở chương đầu”. Không phải toàn bộ, nhưng hầu như khi đã về chung một nhà rồi, nhiều cặp đôi khẳng định rằng họ không còn mặn mà như thuở còn yêu nhau.

Chuyện vợ chồng không phải phim Hàn

Nhiều người chia sẻ rằng họ rơi vào tình trạng vỡ mộng khi vừa mới trải qua tuần mật. Người yêu tuyệt vời ngày xưa bỗng chốc trở thành những ông chồng lười hay những bà vợ lắm lời. Có nhiều lí do khiến cho hôn nhân trở thành mồ chôn tình yêu lúc nào không hay.

Cuộc sống gia đình với đầy đủ những cung bậc, những trải nghiệm qua từng giai đoạn, hoàn cảnh khác nhau. Nó không đơn thuần chỉ là chuyện của hai người, mà nó liên quan và bị chi phối với hai gia đình nội ngoại, con cái... Góp gạo thổi cơm chung nghĩa là từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ đều trực tiếp, hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới mối quan hệ của hai người.

Hạnh phúc gia đình như một... mầm cây - Ảnh 1
Cuộc sống gia đình trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc

Trải qua một thời gian đầu gối tay kề có những cặp ngày càng hiểu và chia sẻ, rồi thương yêu nhau hơn, nhưng cũng có những gia đình tình yêu cạn kiệt vì những bất đồng, xung khắc và lâu dần xa cách, lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình.

Chị Thiên Th (sống tại quận 3) trải lòng về cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 10 năm rồi đổ vỡ: “Cũng yêu nhau 3 năm rồi mới tiến tới chuyện kết hôn, nhưng đến lúc về sống chung mình không còn nhận ra chồng là người ngày xưa theo đuổi, tán tỉnh . Thời gian có bầu, đáng nhẽ phải chăm sóc vợ con thì ông ấy lại bù khú bạn bè, đi hôm về khuya... Mình phải tự lo cho con nên lúc nào cũng stress, vợ chồng cãi vã, xung đột. Rồi dần già mình không còn cảm giác gì, ngay cả khi hai đứa nằm chung giường. Từ đó cho tới khi mình quyết định buông, ký đơn ly hôn dù vẫn về chung nhà, ngủ chung phòng nhưng hai đứa chẳng khác gì người dưng. Không nói chuyện, không nhìn mặt nhau mà chỉ đóng kịch khi có mặt con đã khiến nhiều lúc mình muốn phát điên, chỉ ước thoát ra khỏi “địa ngục” đấy càng nhanh càng tốt”.

Nhưng khi được hỏi vì sao phải đến 10 năm sau chị mới quyết định chấm dứt, chị chua xót cho hay: Sức chịu đựng của con người có hạn. Những năm tháng đầu, thương con, lo sợ con thiếu hụt tình cảm nên cố gắng để mong mọi thứ thay đổi. Nhưng rồi một quãng thời gian dài, khi con lớn, mình thấy cần dứt bỏ. Khi không còn yêu thương nhau mà phải chạm mặt hàng ngày là điều kinh khủng nhất.

Đó là thực tế mà nhiều cặp vợ chồng khi quyết định li hôn gặp phải. Có những người vợ không dám bứt ra khỏi người chồng vì áp lực kinh tế, con cái. Họ không đủ sức để tự cáng đáng cuộc sống mới nên chấp nhận sống không hạnh phúc. Có những người chồng bất lực “sống giả” để đẹp mặt họ hàng, gia đình và giữ bộ mặt với xã hội. Người ta cố chấp nhận cuộc sống không tình yêu để “làm màu” cho con, cho cha mẹ.

Chịu đựng một khoảng thời gian hàng chục năm trời chỉ để có một gia đình mang ra chưng diện thì thật sự là điều đáng sợ nhất với bất cứ ai.

Chịu đựng hay vứt bỏ đều đau

Tình cảm gia đình cần phải vun đắp từ hai phía chứ không phải là sự cứu vãn khi đã cạn kiệt tình yêu. Hãy luôn xem hạnh phúc gia đình như một mầm cây, cần sự tưới tắm, vun xới hàng ngày. Tình yêu khi đã trở thành hôn nhân hầu như không còn giữ nguyên xi bản gốc như thuở tán tỉnh, hẹn hò. Nó chuyển thể thành trách nhiệm, tình nghĩa, và cả nghĩa vụ. Có một vài cặp cho rằng để hôn nhân bền vững thì cần thiết nhất không phải là tình yêu mà là tình nghĩa. Khi thương và sống có trách nhiệm với nhau thì dễ dàng tha thứ, bao dung với những lỗi lầm của nhau, từ đó mới níu giữ được hạnh phúc gia đình.

Hạnh phúc gia đình như một... mầm cây - Ảnh 2
Tình cảm gia đình phải vun đắp hàng ngày từ hai phía

Anh Nguyên A. (giám đốc công ty xây dựng) cho biết: Chuyện vợ chồng không phải cứ nói hết yêu là kẻ thù rồi li hôn. Chúng ta đều phải trưởng thành khi lập gia đình, phải biết điều nào mới là quan trọng. Chia tay thì dễ, nhưng níu kéo và gìn giữ được mới khó. Mỗi người đều có quan điểm riêng, đối với mình thì khi xảy ra chuyện “chán” nhau thì chúng ta không có quyền nóng vội. Chịu đựng không hẳn là bi kịch, điều xấu, nó thực sự cần thiết để giữ một gia đình.

Anh khẳng định, vợ chồng anh đã trải qua những năm tháng tưởng chừng như không thể cứu vãn. Đã hàng chục lần viết đơn li hôn nhưng mọi thứ cũng qua đi khi họ ngồi lại và sửa đổi. Anh bỏ bớt công việc kiếm tiền để có thời gian chăm sóc vợ con. Anh tìm mọi cách hâm nóng tình cảm. Còn vợ anh biết chăm chút cho chồng con, ít cằn nhằn khi anh đi về khuya... Hai vợ chồng tập trung vào hai đứa con nhỏ. Cuối cùng anh và vợ đã tìm được niềm vui chung là con cái.

Mỗi người đều có cách đối chọi với tình huống, áp lực cuộc sống riêng. Bởi mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nên không có lời khuyên nào đúng cho tất cả các trường hợp.

Có những bà vợ/ ông chồng phải chịu đựng người bạn đời của mình trong một thời gian dài. Họ đã thử mọi cách để có thể thay đổi những thói hư tật xấu của đối tác, nhưng bất thành. Họ đã hi sinh tuổi thanh xuân bên một ông/bà vợ không ra gì chỉ vì con cái và điều tiếng gia đình, xã hội... Họ đã tìm mọi cách để gia đình tốt hơn... Đối với những người rơi vào hoàn cảnh đó thì nếu bắt họ chịu đựng thêm nữa nghĩa là chúng ta đang ác với họ.

Chịu đựng hay vứt bỏ một gia đình không hạnh phúc, một mối quan hệ đã rạn nứt và cạn tình cạn nghĩa đều đau như nhau, bạn nên cân nhắc đến điều đó. 

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT