Gia đình hạnh phúc nhờ chồng biết chia sẻ việc nhà

Chuyện vợ chồng 23/04/2015 13:29

Giống như nhiều nam giới khác, chồng tôi với tư tưởng mình là trụ cột của gia đình, đã đóng góp kinh tế đầy đủ nên anh mặc nhiên cho rằng toàn bộ việc nhà và chăm sóc con cái là việc của vợ. Vì thế mà sau giờ làm trong khi tôi bù đầu với trăm công nghìn việc thì anh tự cho phép mình nằm gác chân…ngủ.

Chồng bận “cày” game không rảnh làm “việc vặt”

Khi kết hôn, đồng nghĩa với việc sống chung, tất cả đều chung. Gia đình là của chung, con cái là của chung, và tất nhiên công việc nhà cũng là trách nhiệm chung. Nhưng đàn ông lại nghĩ khác, với họ việc nhà là việc của đàn bà, nên các ông chồng “nhường” hết cho vợ.  Thực tế, đó chỉ là cái cớ để từ chối trách nhiệm chung.

Vợ chồng chị Minh Thảo (32 tuổi, TP.HCM) cưới nhau hơn sáu năm, đã có với nhau hai mặt con. Chồng là công chức nhà nước, làm việc ở Ủy ban quận, công việc chẳng lấy làm bận rộn nhưng khi về đến nhà hễ vợ nhờ làm giúp cái gì anh lại than vãn “đi làm cả ngày kiếm tiền rồi về nhà chỉ muốn được nghỉ ngơi mà còn bị đày” hoặc “đàn bà có nhiêu đó việc vặt mà cũng làm không xong, lại còn làm phiền cả chồng” hay “hồi chưa lấy vợ có bao giờ phải làm những việc này đâu”. Nhờ anh trông con thì anh viện cớ con khóc, con quấy không chịu chơi với anh. Thế là vừa địu cô con gái gần một tuổi trên lưng, chị vừa rửa bát lau nhà trong khi anh ung dung “cày game”. Vừa kèm cậu con trai bốn tuổi học bài vừa ru cô con gái ngủ. Khi cho cả hai con ngủ xong chị lại quần quật như cái máy làm việc nhà: giặt quần áo, dọp dẹp nhà cửa…Khi xong việc mệt bở hơi tai, thấy chồng đã nằm ngủ ngon lành mà chị tủi thân khôn xiết.

Gia đình hạnh phúc nhờ chồng biết chia sẻ việc nhà - Ảnh 1
Vì lười mà các ông chồng quên mất rằng, chăm con giúp gắn kết tình phụ tử

Cũng vì chồng lười, chẳng bao giờ ý thức được rằng, một người vợ luôn mong muốn được chồng chia sẻ, giúp đỡ việc nhà mà không biết bao nhiêu lần vợ chồng chị hục hặc không yên. Lúc son rỗi, mới cưới nhau nên chị có thể nhường nhịn, nhưng bây giờ khi đã có hai con số lượng công việc không tên trong nhà tăng gấp bội một tay chị cáng đáng trong khi anh chả bao giờ động tay vào. Nhiều lúc chị như bị vắt kiệt sức lực, chị ngao ngán với cuộc sống hôn nhân hiện tại.

Cùng bàn bạc và đưa ra giao ước chung

Không riêng gì trường hợp chị M.Thảo mà rất nhiều trường hợp khác chị em phụ nữ thời mới cưới thường cưng chồng mà làm hết việc nhà, lâu dần đàn ông trở nên thụ động và lười biếng vì đã mặc định đó là nhiệm vụ bất di bất dịch bấy lâu của vợ. Khi đã hình thành thói quen ỷ lại vào vợ, rất khó để kéo các ông chồng cùng tham gia chia sẻ việc nhà.

Được các chị đồng nghiệp đã có gia đình mách nước, trước khi kết hôn chị Quỳnh Trang, kế toán viên, TP.HCM đã làm công tác tư tưởng với chồng sắp cưới trước khi đăng ký kết hôn. Chị nêu ra những trường hợp các đồng nghiệp và người quen chỉ vì việc nhà mà tình cảm vợ chồng rạn nứt, không thể hàn gắn. Từ đó, chị và người yêu cùng bàn bạc, thảo luận và đưa ra những quy tắc, giao ước chung cho cuộc sống hôn nhân trong tương lai với những điều khoản cụ thể.

Gia đình hạnh phúc nhờ chồng biết chia sẻ việc nhà - Ảnh 2
Phụ nữ chẳng đòi hỏi gì cao xa, chỉ cần chồng biết chia sẻ là đã hạnh phúc thật nhiều

Thực ra, chị làm vậy không phải muốn biến việc nhà thành một hợp đồng lao động với bên A và bên B mà chị muốn cùng phân chia lao động một cách bình đẳng. Bởi chị ý thức được rằng muốn có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thì tình yêu vẫn là chưa đủ. Sự cảm thông, thấu hiểu và học cách chấp nhận những điều chưa hoàn thiện ở đối phương trong quá trình chung sống mới và chất keo gắn kết gia đình.

Nguyên tắc vàng là hai bên phải “cộng tác” bằng hành động

Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Tuyết Vân, chi hội Tâm lý trị liệu, Hội Tâm lý TP.HCM, các bạn trẻ phải chuẩn bị tâm lý và tìm hiểu trước về cuộc sống hôn nhân trước khi dấn thân. Phải tin rằng mình sẽ đem lại hạnh phúc cho nửa kia, phải có kỹ năng xử lý cho vấn đề căng thẳng trở nên nhẹ nhàng hơn. Muốn đối phương thay đổi mình phải dấn thân, chứng tỏ bằng hành động - làm người dẫn đầu ý thức để thôi thúc đối phương học và tập để có được hạnh phúc. Phải có một số nguyên tắc và quy định trong cuộc sống hôn nhân.

Có một nguyên tắc rất cơ bản: Ngoài tình yêu thì trong hôn nhân còn cần có tình bạn. Để đối phương luôn ý thức rằng mình phải sống tử tế với người kia, phải luôn làm một nửa của mình hạnh phúc thì cuộc hôn nhân đó bền chặt.. Nếu tâm niệm, mình đã có gia đình thì ưu tiên hàng đầu là gia đình, gia đình là những người  ta cần đối xử tốt, cần được yêu thương tôn trọng thì cả hai sẽ luôn cố gắng vun đắp.

Gia đình hạnh phúc nhờ chồng biết chia sẻ việc nhà - Ảnh 3
Gia đình nên tập cho con làm việc nhà ngay từ bé

Vợ chồng nên quan tâm đến cảm xúc, tâm trạng và đời sống tinh thần của nhau, điều đó phải kéo dài trong suốt cuộc đời chứ không phải chỉ có giai đoạn đầu. Sống chung là phải đụng chạm, tất cả phải chung. Gia đình là của chung, con cái là của chung, công việc nhà là chung. Gia đình sẽ không ổn định nếu người này phải chịu đựng người kia. Vậy nên nguyên tắc vàng là hai bên phải “cộng tác” bằng hành động hạ dần, giảm dần những tính xấu của cá nhân.

Chuyên viên tâm lý Tuyết Vân nói thêm, khi gặp phải những vướng mắc trong cuộc sống vợ chồng các cặp đôi đừng ngại ngần tìm đến các chuyên gia để trao đổi, tư vấn tâm lý. Các vấn đề tâm lý phải được giải quyết từ gốc rễ, có bề sâu thì bạn mới biết rằng phải giải quyết từ trong nhận thức, phần gốc chứ không phải những mâu thuẫn, phần ngọn của vấn đề.

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT