Lời khuyên của bác sĩ Nhi khi chăm sóc trẻ bị táo bón

Chăm sóc con 30/03/2018 16:28

Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết trị chứng táo bón ở trẻ vừa dễ dàng, vừa khó khăn đối với các bậc cha mẹ. Điều quan trọng là phụ huynh cần biết nguyên nhân và các cách cơ bản khắc phục chứng bệnh này.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị táo bón là thắc mắc của không ít các bậc phụ huynh. Để giúp con cải thiện chứng bệnh ‘quen thuộc’ này, cha mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt theo lời khuyên của bác sĩ.

Làm gì khi trẻ bị táo bón?

Trẻ mới bị táo bón

Khi trẻ vừa mắc chứng táo bón, mẹ nên lưu ý nguyên nhân gây bệnh để kịp thời khắc phục. Trẻ bị táo bón có thể do chế độ dinh dưỡng hoặc hoạt động thường ngày khiến bé quên đi vệ sinh.

Lời khuyên của bác sĩ Nhi khi chăm sóc trẻ bị táo bón - Ảnh 1
Trẻ bị táo bón có rất nhiều nguyên nhân - Ảnh minh họa: Internet

Về chế độ dinh dưỡng, mẹ không nên pha sữa công thức quá đặc. Nên pha đúng theo hướng dẫn, đánh tơi sữa, gạt ngang mới cho trẻ uống. Các bữa ăn nên tăng cường chất xơ, tăng cường ăn rau củ quả, sữa chua, uống nhiều nước. Điều chỉnh các thức ăn giàu đạm, thành phần nhiều phô mai, thức ăn chế biến sẵn hoặc giàu năng lượng.

Trong sinh hoạt hàng ngày, trẻ ham chơi, ngại đi đại tiện hoặc không muốn đi đại tiện ở trường học; Trẻ căng thẳng, đi chơi xa cùng gia đình… cũng là các nguyên nhân gây táo bón. Giải pháp đưa ra là mẹ nên tập cho trẻ đi đại tiện đúng giờ, mỗi ngày 2 lần sau bữa sáng và bữa chiều. Tập cho trẻ ngồi bô hoặc bệ xí từ 5 – 10 phút.

Trẻ bị táo bón kinh niên

Trẻ mắc chứng táo bón kinh niên rất sợ đi cầu, phân cứng, thỉnh thoảng đi đại tiện són. Trẻ có các hiện tượng chướng bụng, đau bụng, chảy máu khi đi cầu.

Để giúp con thoát khỏi cơn ám ảnh táo bón kinh niên, cha mẹ cần tập cho con đi đại tiện đúng giờ, lưu ý chế độ ăn uống, sinh hoạt như trường hợp trẻ vừa mắc chứng táo bón.

Lời khuyên của bác sĩ Nhi khi chăm sóc trẻ bị táo bón - Ảnh 2
Mẹ nên cho trẻ ăn nhiều chất xơ và rau xanh nhằm hạn chế táo bón - Ảnh minh họa: Internet

Trường hợp cần thiết, mẹ phải cho trẻ bị táo bón dùng thuốc mềm phân; Có khi mẹ phải dùng hơn một loại kéo dài trong vài tháng. Cha mẹ cần tránh quan niệm sai lầm khi nghĩ thuốc làm mềm phân ảnh hưởng đến sức khỏe. Trên thực tế, trẻ bị táo bón có thể sử dụng thuốc làm mềm phân đến khi lớn. Không nên tự ý ngưng thuốc khi trẻ giảm táo bón, tránh tình trạng lờn thuốc.

Về mặt tâm lý, cha mẹ không nên để bé quá sợ chuyện táo bón khi chưa đến tuổi vị thành niên. Chỉ cần làm theo trình tự: Sử dụng thuốc mềm phân cho trẻ; Khuyến khích trẻ tập đi đại tiện trong khung giờ nhất định; Giải thích cho con tình trạng táo bón sẽ hết khi trẻ lớn lên.

Trẻ dưới 6 tháng tuối bỏ bú mẹ (chưa bước vào giai đoạn ăn dặm) cả tuần chỉ đi đại tiện 1 lần, trong quá trình đi cầu nhăn mặt nhưng phân mềm thì không phải bị táo bón. Đây chỉ là thao tác tập rặn. Mẹ chỉ cần xoa bụng bé theo chiều kim đồng hồ để bé dễ đi đại tiện hơn.

Nếu áp dụng các cách xử lý trên không hiệu quả, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để khám chuyên khoa tiêu hóa nhi.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

(Trưởng Khoa Nhiễm – Thần Kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM)

Mẹ nên làm gì khi trẻ 1 tháng tuổi bị táo bón?

Trẻ 1 tháng tuổi bị táo bón chỉ là 1 bệnh lý bình thường không cần phải dùng đến thuốc.

TIN MỚI NHẤT