Chuyên gia hướng dẫn mẹ cách trị biếng ăn cho trẻ em từ 1 – 2 tuổi

Chăm sóc con 21/04/2018 11:19

Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết nhiều bà mẹ vì con biếng ăn mà tạo cho con những thói quen ăn uống không tốt. Do đó, mẹ cần hiểu và áp dụng một số nguyên tắc để trị biếng ăn cho trẻ trong độ tuổi này.

Thông thường, các bé từ 1 – 2 tuổi thường biếng ăn. Có rất nhiều bà mẹ lo lắng con không ăn đủ khẩu phần dẫn đến tâm lý căng thẳng. Điều này đã tạo áp lực không nhỏ lên việc ăn uống của bé. Thậm chí một số bà mẹ còn cho trẻ ăn những thức ăn không lành mạnh khác (bánh kẹo, nước ngọt, thức ăn nhanh…) với hy vọng con sẽ “ăn được miếng nào hay miếng đó”. Hậu quả là tỷ lệ biếng ăn cao hơn và nghiêm trọng hơn khi bé bước vào tuổi lên 3. Những thói quen xấu trong ăn uống hình thành ở giai đoạn này sẽ theo bé khi lớn lên.

Chuyên gia hướng dẫn mẹ cách trị biếng ăn cho trẻ em từ 1 – 2 tuổi - Ảnh 1
Biếng ăn là hiện tượng thường gặp ở trẻ em từ 1 - 2 tuổi - Ảnh minh họa: Internet

Hiểu như thế nào về chế độ ăn uống của trẻ từ 1 – 2 tuổi?

Trong độ tuổi này, trẻ bắt đầu có định nghĩa “món ăn nào thích” và “món nào không thích”. Nhưng mẹ có thể thay đổi ấn tượng này. Nếu mẹ biết tập cho con ăn đúng cách, bé sẽ ăn tốt. Tuy nhiên, nếu mẹ tập sai phương pháp, bé sẽ tích lũy dần những thói quen xấu và kéo dài tình trạng biếng ăn khi lớn hơn.

Cân nặng trung bình của trẻ từ 1 – 2 tuổi sẽ tăng khoảng 2,4kg/năm, chậm hơn so với giai đoạn dưới 12 tháng tuổi.

Trẻ từ 1 – 2 tuổi mẹ nên hướng cho bé có hành vi ăn tốt hơn là ép bé ăn. Việc ép bé ăn trong giai đoạn này sẽ làm bé biếng ăn kéo dài đến 3 – 4 tuổi hoặc lâu hơn.

Ở những bé tăng trưởng tốt, vài ngày bé biếng ăn là bình thường, không đáng lo.

Cách trị biếng ăn ở trẻ 1 – 2 tuổi

Để giúp con giảm tình trạng biếng ăn, mẹ cần áp dụng một số nguyên tắc cơ bản trong ăn uống như sau:

- Đừng bỏ cuộc nếu trẻ từ chối món ăn nào của mẹ. Mẹ hãy kiên nhẫn tìm cơ hội giới thiệu lại. Phải ít nhất 10 lần bé mới làm quen được thức ăn.

- Mẹ nên giới hạn lượng sữa trẻ bú không quá 500m/ngày, sữa quá nhiều sẽ làm trẻ dễ no và không hứng thú việc ăn.

- Đừng ép trẻ ăn. Đối với những trẻ đủ ký, mẹ nên cho ăn đúng lượng bé muốn. Đồng thời giới thiệu đa dạng các loại thức ăn. Nếu bé nhẹ cân, mẹ hãy giới thiệu đủ lượng thức ăn theo độ tuổi nhưng nên chia nhỏ bữa ăn và đa dạng thức ăn.

Chuyên gia hướng dẫn mẹ cách trị biếng ăn cho trẻ em từ 1 – 2 tuổi - Ảnh 2
Mẹ không nên ép bé ăn, chỉ cần để bé ăn đúng lượng thức ăn mong muốn - Ảnh minh họa: Internet

- Giờ cho trẻ ăn cũng nên lựa chọn thời điểm phù hợp: Mẹ không nên chọn giờ ăn sau khi con chơi quá mệt. Thay vào đó hãy cân bằng giữa giờ ăn và giờ chơi hợp lý.

- Mẹ tuyệt đối không nên cho hoặc thưởng bánh kẹo, thức ăn không lành mạnh để thay thế phần thức ăn trẻ không chịu ăn. Nếu mẹ làm vậy, trẻ sẽ hình thành thói quen xấu “ăn là được thưởng”.

- Thời gian ăn cho bữa chính tối đa 30 phút, bữa phụ tối đa 20 phút. Nếu trẻ bướng hơn 10 phút, mẹ để bé ngồi yên trên ghế vài phút trước khi cho trẻ ra khỏi ghế và kết thúc bữa ăn.

- Trong bữa ăn, không nên tạo áp lực cho trẻ và tránh các tác nhân làm sao nhãng (ti vi, điện thoại, đồ chơi…).

- Trẻ từ 1 – 2 tuổi khuyến khích nên ăn cùng thời điểm với các thành viên trong gia đình, được ngồi ghế ăn dặm cao. Việc nhìn và bắt chước cách ăn của các thành viên khác giúp bé vượt qua giai đoạn biếng ăn nhanh chóng.

Chuyên gia hướng dẫn mẹ cách trị biếng ăn cho trẻ em từ 1 – 2 tuổi - Ảnh 3
Nên cho trẻ cùng bữa với gia đình để tạo thói quen hành vi ăn uống - Ảnh minh họa: Internet

- Để cung cấp thêm năng lượng cho hoạt động ở độ tuổi này, mẹ nên cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ. Thực đơn bữa phụ chỉ cần lựa chọn đơn giản nhằm tạo cơ hội cho bé cùng mẹ chuẩn bị. Hầu hết các bé đều thích ăn những món mà bé đóng vai trò chuẩn bị trong quy trình đó.

 Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh

(Bệnh viện Hoàng gia Worcester - Vương quốc Anh)

Phát triển hệ tiêu hóa khỏe mạnh để trẻ mau ăn chóng lớn theo lời khuyên của chuyên gia

Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết hệ tiêu hóa được xem như bộ não thứ hai của trẻ. Hệ tiêu hóa hoạt động tốt trẻ mới khỏe mạnh lớn lên. Để trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cha mẹ cần hiểu và chăm sóc đúng cách.

TIN MỚI NHẤT