Bác sĩ Nhi tư vấn: Mẹ cần làm gì khi trẻ bị quai bị?

Chăm sóc con 20/02/2018 10:50

Mẹ cần trang bị những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, cách phòng bệnh và những gì cần làm khi trẻ bị quai bị để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho trẻ.

Nguyên nhân và dấu hiệu bệnh quai bị ở trẻ

Bệnh quai bị hay còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị có tên gọi ARN gây nên. Theo cách hiểu đơn giản, đây là bệnh nhiễm trùng các tuyến nước bọt. Trẻ nhỏ và trẻ đang trong độ tuổi dậy thì là đối tượng dễ mắc bệnh quai bị.

Bác sĩ Nhi tư vấn: Mẹ cần làm gì khi trẻ bị quai bị? - Ảnh 1
Trẻ em rất dễ bị bệnh quai bị do nhiễm virus - Ảnh minh họa: Internet

Khi bị bệnh, trẻ thường có những dấu hiệu sau:

- Trước khi vùng má cằm sưng lên, trẻ có biểu hiện ăn không ngon, khó nhai nuốt, đau khu vực mang tai.

- Sốt nhẹ, đau đầu.

- Sau 2 tuần, tuyến nước bọt bị sưng phồng khiến trẻ đau góc hàm và họng, khó khăn trong việc nhai nuốt.

Bệnh quai bị ở trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

- Trẻ hít phải bụi nước bọt có mầm bệnh quai bị.

- Trẻ chạm tay vào các đồ vật có mầm bệnh quai bị.

- Sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt, dao, chén, đĩa với người mắc bệnh quai bị.

Những biến chứng trẻ có thể gặp phải khi mắc bệnh quai bị

Khi mặc bệnh quai bị, nếu không điều trị kịp thời và thiếu kiến thức cần thiết, trẻ có nguy cơ gặp những biến chứng nguy hiểm sau:

- Viêm tinh hoàn: Đây là biến chứng thường gặp nhất. Sau 7 – 10 ngày bị viêm tuyến mang tai, trẻ sẽ có biểu hiện sốt cao (40 – 41 độ C), lạnh, nhức đầu, ói mửa, tinh hoàn sưng to kéo dài trong khoảng 7 ngày.

- Viêm não, viêm màng não: Biến chứng này sẽ xuất hiện vào ngày thứ 3 trở đi khi trẻ bị viêm tuyến mang tai. Lúc này, trẻ sẽ có hiện tượng sốt cao, nhức đầu, ói mửa, co giật.

- Viêm tụy tạng cấp: Biến chứng này ít gặp nhất, thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi trẻ bị viêm tuyến mang tai. Trẻ có biểu hiện sốt cao, đau bụng, nôn, trụy mạch.

- Viêm buồng trứng: Biến chứng này sẽ xuất hiện ở bé gái nếu có biểu hiện đau tức vùng bụng khi sờ nắn.

Cần làm gì khi trẻ bị quai bị?

Trao đổi với Phụ nữ & Gia đình, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Bệnh quai bị ở trẻ nhỏ hay trẻ dậy thì mà không bị viêm tinh hoàn sẽ không ảnh hưởng đến sự sinh sản về sau.

Mẹ tuyệt đối không đắp vôi, không bôi lung tung lên vùng sưng quai bị, không cần uống kháng sinh vì bệnh do siêu vi gây nên. Thay vào đó, chỉ cần hạn chế trẻ chạy nhảy và không cho trẻ ăn chua”.

Bác sĩ Nhi tư vấn: Mẹ cần làm gì khi trẻ bị quai bị? - Ảnh 2
Mẹ tuyệt đối không được bôi vôi và bất kỳ thứ gì lên vùng sưng quai bị của con - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, khi trẻ bị quai bị, mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kịp thời chữa trị, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Trong thời gian này, mẹ nên chú ý vệ sinh răng miệng, cho trẻ súc miệng bằng nước muối, ăn thực phẩm dễ tiêu hóa, chườm nóng vùng góc hàm cho trẻ. Đồng thời, mẹ đừng quên cho bé uống nhiều nước, có thể cho con uống nước ngọt để ăn uống dễ dàng hơn.

Để phòng bệnh quai bị ở trẻ em, mẹ cần chú ý:

- Tiêm phòng quai bị cho trẻ khi được 1 tuổi. Tiêm mũi nhắc lại khi trẻ được 4 tuổi.

- Phụ nữ tuyệt đối không tiêm vắc xin quai bị khi đang mang thai.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh quai bị.

- Nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên khi cầm nắm các đồ vật lạ, mất vệ sinh.

Sinh con đầu xuân 2018 nên đặt theo các bộ chữ này để bé khỏe mạnh, tài giỏi

Đặt tên cho con theo bộ chữ Hán Việt đã không còn xa lạ với các gia đình Việt với mong muốn con có một cuộc sống may mắn, an vui trong tương lai.

TIN MỚI NHẤT