Trước khi đánh con hãy nghĩ thật kỹ, đừng vì đòn roi mà làm hỏng tương lai của con trẻ

Bài học làm mẹ 02/12/2017 04:53

Theo các chuyên gia tâm lý việc sử dụng đòn roi hay quát mắng không phải là cách dạy con đúng đắn. Cha mẹ cần kiên nhẫn và bình tĩnh là cách tốt nhất để đối phó với những bé bướng bỉnh, cứng đầu.

Sẽ có lúc nhiều bậc phụ huynh sẽ phải đối mặt với trường hợp bé có thể nói "Không!" với hầu như tất cả mọi thứ bố mẹ yêu cầu. Các con thường hành động trái ý và từ chối lắng nghe những lời dạy bảo của người lớn.

Những lúc trẻ bướng bỉnh, khó bảo, nếu bố mẹ phản ứng mà không suy nghĩ thì chỉ khiến thái độ của con càng thêm tiêu cực. Vậy phải làm gì trong hoàn cảnh này? Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bố mẹ khi đối phó với những đứa trẻ bướng bỉnh, hay cáu gắt.

Trước khi đánh con hãy nghĩ thật kỹ, đừng vì đòn roi mà làm hỏng tương lai của con trẻ - Ảnh 1
 
1. Hãy học cách thấu hiểu

Sinh con ra nuôi con khôn lớn, bố mẹ nào cũng muốn con mình ngoan ngoãn nghe lời. Và điều đầu tiên khi muốn thực hiện cách dạy con ngoan chính là các bạn phải thấu hiểu được con mình. Bạn cần phải luôn lắng nghe con chia sẻ để có thể hiểu con. Sẽ không khó để con nghe lời bạn nếu bạn hiểu được tâm lí của con.

Một bậc phụ huynh chia sẻ: “Nhà tôi đang có một cháu nhỏ 4 tuổi. Mỗi khi con tôi mắc lỗi thay vì quát mắng hay dùng những hình phạt khắt khe tôi thường đưa chúng đến một nơi yên tĩnh, giúp chúng bình tĩnh lại. Và đây sẽ là cơ hội để tôi và bé hiểu nhau hơn. Sau đó, tôi mới chỉ ra nói cho con biết sai chỗ nào và giúp bé sửa lỗi. Tâm lí trẻ nhỏ cũng giống người lớn chúng ta thôi, khi bọn trẻ đang nóng giận sẽ không học được gì”.


2. Hãy là một tấm gương tốt cho con

Trước khi đánh con hãy nghĩ thật kỹ, đừng vì đòn roi mà làm hỏng tương lai của con trẻ - Ảnh 2
Đánh con không phải cách dạy con đúng đắn 

Bản thân những người làm cha làm mẹ hãy là một tấm gương cư xử đúng mực. Đây chính là một trong những cách dạy trẻ rất hiệu quả. Bởi trẻ em như một tờ giấy trắng, những gì chúng ta làm, chúng ta nói các bé đều quan sát và ghi nhớ trong đầu. Kể cả đối với những trẻ nhỏ mà bạn nghĩ rằng chúng chưa có ý thức chúng cũng có thể ghi nhớ rất nhiều thứ.

Sẽ rất khó để con có thể học theo và nghe lời bố mẹ khi mà bố mẹ chỉ nói những câu lý thuyết suông và cư xử không đúng mực. Ví dụ đơn giản như việc nếu các con nhìn thấy cha mẹ hay cãi nhau hoặc có những lời ăn tiếng nói không lịch sự thì chúng rất dễ học theo. Cha mẹ cần chú ý đến từng cách hành xử của bản thân ngay từ những việc đơn giản nhất như nói lời cảm ơn hay xin lỗi để có thể là một tấm gương tốt cho con học theo.

3. Kiên nhẫn lắng nghe và đừng tranh luận

 
Những lúc trẻ bướng bỉnh, cứng đầu, không chịu nghe lời thì bố mẹ không nên vội vàng cáu giận hoặc ngay lập tức tranh luận, đánh mắng con bởi như vậy chỉ khiến tình hình tệ thêm mà thôi. Tốt nhất, khi ấy, mẹ nên chịu khó lắng nghe và có cuộc nói chuyện nhẹ nhàng với con. Bố mẹ nên thận trọng trong việc giao tiếp, sử dụng giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể.

Bố mẹ hãy bắt đầu cuộc trò chuyện với con bằng cách hỏi một số câu hỏi như "Điều gì đang làm phiền con vậy?", "Con đang gặp phải vấn đề gì vậy?”, hoặc "Giờ con muốn làm gì?"...Những câu hỏi đơn giản này sẽ giúp trẻ bình ổn lại tâm trạng và biết được mình đang nhận được sự quan tâm từ bố mẹ.

Trong quá trình nói chuyện, bố mẹ hãy cố gắng quan sát và tìm ra nguyên nhân nào khiến trẻ khó chịu, sau đó mẹ hãy từ từ làm dịu sự bướng bỉnh của con. Nên nhớ, kiên nhẫn là chìa khóa tốt nhất để kiểm soát tình hình.

4. Phớt lờ những đòi hỏi không thỏa đáng của con

Đôi khi chính việc đáp ứng nhanh bất cứ yêu cầu nào của con sẽ khiến trẻ trở nên bướng bỉnh, khó bảo. Khi ấy, trẻ nhận thức được rằng bố mẹ rất dễ dàng chiều theo mong muốn của chúng, nên một khi không đòi hỏi được, chúng sẽ tức giận và la hét. Bởi thế, phớt lờ những yêu sách không thỏa đáng của con cũng là một cách hay để trị dứt điểm sự bướng bỉnh, cứng đầu của con.

5. Động viên và khen ngợi con khi cần thiết

Thái độ, cách đối xử của người lớn với con cũng là nguyên nhân hình thành nên sự bướng bỉnh, khó bảo ở trẻ. Chính bởi vậy, muốn thay đổi một đứa trẻ cứng đầu, bố mẹ cần cố gắng động viên và khen ngợi con khi chúng cố gắng thực hiện những việc tốt, cho dù đó là việc nhỏ nhặt. Đừng gay gắt khi con làm sai điều gì đó mà hãy từ từ phân tích cho con hiểu.

Khuyến khích các hành vi tích cực sẽ làm cho các bé hiểu rằng đó là cách tốt để có được sự chú ý hoặc lời khen ngợi từ người khác. Bố mẹ cũng có thể tặng cho các con phần thưởng nhỏ để bé thêm hào hứng hơn.

6. Hãy trở thành một người bạn, gia tăng kết nối với con

TS. Phạm Thị Thu Hoa cho biết: “Ở mỗi một giai đoạn lứa tuổi tâm sinh lí của trẻ sẽ khác nhau. Muốn dạy con ngoan bạn cũng cần phải biết cách và phương pháp dạy sao cho đúng. Một trong những cách tốt nhất để dạy con ngoan là bản thân bố mẹ hãy làm bạn với con, lắng nghe con tâm sự. Từ đó, bố mẹ và con cái có thể chia sẻ với nhau những câu chuyện một cách dễ dàng nhất. Hơn nữa, khi bạn trở thành một người bạn của trẻ, chúng sẽ dễ hợp tác hơn”. Những điều thủ thỉ, thầm kín chắc chắc trẻ sẽ sẵn sàng chia sẻ với bạn khi bạn đã trở thành một người bạn của con và thường xuyên trò chuyện cùng con.

Thay vì những lời la mắng hay những trận đòn roi, các bậc cha mẹ hãy biết động viên khen thưởng đúng lúc, làm bạn với con, dùng tình cảm lời nói để dạy con, dùng chính lối sống, đạo đức của mình làm tấm gương cho con. Khi đó, chắc chắn trẻ sẽ khắc tự biết vâng lời dù bạn không cần nặng lời một chút nào hết.

Dừng ngay việc đánh con bởi hậu quả tiêu cực kéo dài đến 10 năm sau

Một nghiên cứu mới đây nhất đã chỉ ra hành động đánh con của cha mẹ, phụ huynh có tác động tiêu cực đến đứa trẻ kéo dài lên tới 10 năm.

TIN MỚI NHẤT